Cu Bon nhà tôi năm nay đang học lớp 2, cháu được cô giáo và người lớn đánh giá là một cậu nhóc thông minh, hoạt bát, vui tính. Nghe mọi người nhận xét con như vậy tôi thầm cảm ơn con đã mang đến một niềm vui lớn cho tôi.
Mỗi mẹ có một cách dạy con riêng, mỗi bài dạy của mẹ đều nhất quán hướng về một mục đích đó là mong muốn những điều tốt nhất cho con. Và tôi cũng vậy. Muốn con học giỏi nên người, trước tiên tôi luôn cố gắng tạo lập thói quen sống tốt cho con. Có sống lành mạnh, con mới có đủ sức khỏe và tinh thần để làm tốt mọi việc. Và đến giờ nhìn thấy con lúc nào cũng vui vẻ và khỏe mạnh khiến tôi rất vui. Dưới đây tôi xin mách cho các mẹ cách mà tôi giúp con hình thành một lối sống lành mạnh.
1. Không được quên bữa sáng
Đa phần các bé khi bước sang lứa tuổi tiểu học thường bận rộn với lịch học nên thường mệt mỏi, ngủ dậy muộn mà thường xuyên ăn sáng qua loa, không chú trọng đến dinh dưỡng. Hoặc cha mẹ bận rộn mà được tự do ăn sáng, bé lại ăn uống theo sở thích hoặc nhịn ăn sáng để lấy tiền mua đồ chơi, đồ ăn vặt…
Tất cả những trường hợp này đều là nguyên nhân chính khiến bữa ăn sáng của bé không đảm bảo, dẫn đến bé thiếu hụt dinh dưỡng, hạ đường huyết, mệt mỏi, không tập trung khi học… Hậu quả là bé sẽ học kém và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Vì muốn gia đình có một ngày làm việc hiệu quả và đầy sức sống nên mỗi sáng sớm tôi đều cố gắng thức dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng đủ chất cho chồng và con. Để con không quên thói quen ăn sáng, hai vợ chồng phải làm tấm gương cho con, sáng nào cả nhà cũng ngồi ăn lót dạ gì đó rồi mới tính đến làm những việc khác.
Nếu bé được ăn sáng đầy đủ sẽ có tác dụng tích cực vào việc giúp cơ thể phòng chống béo phì. Do đó, dù có bận rộn thế nào mẹ hãy chắc chắn rằng con đã được ăn sáng trước khi đến trường để giúp bé nâng cao hiệu suất học tập, tăng cường hoạt động thể chất và giữ gìn cho trí óc luôn minh mẫn.
2. Lựa chọn những môn thể thao thú vị
Trẻ em ngày nay thường thích chơi điện tử hơn là vận động ngoài trời. Điều này là hoàn toàn không tốt, bởi lười vận động sẽ khiến hệ cơ và xương của trẻ không phát triển hết mức và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Do đó, mẹ cần khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn để có thể phát triển toàn diện.
Thay vì cho con ngồi nhà xem ti vi hay chơi điện tử, tôi đã đăng kí cho cu Bon tham gia lớp học bơi 4 buổi/tuần. Mỗi chiều đi học về, cu cậu đều tỏ ra hí hửng đợi mẹ đưa đi bơi. Ngoài 4 buổi đó ra, con thường ở nhà chơi đá bóng cùng mấy bạn trẻ trong xóm. Mỗi ngày tôi cố gắng cho con vận động khoảng một tiếng để giúp con khỏe mạnh hơn.
Gần nhà tôi có công viên, nên vợ chồng hay dẫn con sang đó chơi đùa. Bon rất thích thú với những trò chơi trong công viên, bé chơi không biết mệt mỏi. Cho con đi chơi thế này vừa xây dựng lối sống lành mạnh cho con, vừa tạo thêm nhiều thời gian vui vẻ giữa các thành viên trong gia đình. Nhiều lúc nhìn cảnh hai bố con chơi đùa, đuổi bắt nhau tôi thấy mình như đang được ngắm một bức tranh đẹp.
3. Thói quen đọc mỗi ngày
Hình thành thói quen đọc sách là việc làm không khó nhưng cũng không phải dễ. Thói quen này nếu xây dựng ngay từ bé sẽ quyết định đến khả năng đọc sách trong suốt thời gian dài của cuộc sống. Ngay từ khi con còn nhỏ, mẹ hãy cố gắng tạo lập thói quen này cho con bởi đọc sách mỗi ngày giúp con mở mang đầu óc, con có thể học hỏi được nhiều thứ đơn giản từ những mẩu chuyện hay những hình ảnh ngộ nghĩnh đáng yêu.
Để giúp con học tập và tư duy tốt, tôi luôn rèn cho con thói quen đọc sách mỗi ngày. Trước giờ con đi ngủ, tôi sẽ dành chút thời gian đọc truyện cho bé nghe. Mỗi câu chuyện tôi đọc hay kể cho Bon nghe đều ẩn chứa trong đó những bài học sâu sắc. Khi bé chưa biết chữ, mỗi lần nghe mẹ đọc và nhìn tranh, bé thường đặt ra rất nhiều câu hỏi ngây ngô, nhưng chính từ những thắc mắc đó mẹ có thể phán đoán được khả năng nhận thức của con.
Khi bé bước vào lớp một, cuối tuần có thời gian rảnh tôi lại cho bé đi thư viện hay cửa hàng sách để cho con lựa chọn những cuốn mà mình muốn đọc. Tôi không bắt ép con phải đọc cuốn này cuốn kia, hay cho bé đọc những cuốn quá cao siêu, tôi cho bé tự do lựa chọn bởi khi bé chọn được thứ mình thích bé sẽ nâng niu và trân trọng hơn.
4. Chú ý đến nhãn hiệu, hạn sử dụng khi mua đồ
Dạy con biết chú ý đến tên nhãn hiệu, ngày sản xuất, nơi sản xuất một thứ đồ nào đó chính là cách mẹ giúp con biết tự bảo vệ sức khỏe của mình.
Thỉnh thoảng đi chợ, tôi hay cho con đi theo để hai mẹ con cùng chọn đồ cho gia đình. Nhiều mẹ nghĩ rằng cho trẻ đi chợ cùng, chúng sẽ có nhiều đòi hỏi và yêu sách hơn, nhưng điều đó chỉ đúng với trường hợp các mẹ không dạy con cẩn thận. Tôi giáo dục con rất chặt trong khoản này nên cu cậu không dám đòi hỏi gì, chỉ khi nào mẹ đồng ý thì mới được phép.
Mỗi lần mua thứ đồ gì, tôi đều chỉ cho con xem những thứ quan trọng nhất khi chọn một sản phẩm đó là hạn sử dụng, thành phần và nơi sản xuất. Nhiều lần như vậy, con sẽ tự hình thành cho mình thói quen. Giờ cu cậu ăn gì cũng phải nhòm xem hạn sử dụng rồi mới ăn. Tôi nhớ có lần, trong tủ lạnh có món đồ hết hạn, tôi không để ý mà đưa cho con, may mà con có tính cẩn thận nên đã phát hiện ra kịp thời.
Ngay từ nhỏ, bé đã ý thức được việc bảo vệ bản thân thì khi lớn lên bố mẹ sẽ không cần phải lo lắng nhiều. Khi con đi học xa nhà, mẹ sẽ bớt đi một nỗi lo đó là lo con ăn uống không an toàn, lo con không chăm lo tốt bản thân.
5. Dành thời gian với bạn bè
Tình bạn là rất quan trọng giúp hình thành lối sống lành mạnh của trẻ. Khuyến khích trẻ có những tình bạn tốt đẹp sẽ giúp cuộc sống của con luôn luôn vui vẻ và trở nên có ý nghĩa hơn. Mẹ đừng ép hay đừng cấm con được kết thân với những bạn đồng trang lứa, bởi chính từ những người bạn con quen sẽ giúp bé học hỏi được nhiều thứ.
Kết giao bạn bè, con sẽ tránh xa được căn bệnh “tự kỉ”, bởi lúc nào bên con cũng có người để bầu bạn và vui chơi cùng con. Con sẽ học được cách tâm sự hay chia sẻ từ chính những người bạn của mình.
Mỗi lần lớp cu Bon có tổ chức những buổi dã ngoại, tôi đều vui lòng cho bé tham gia. Qua những buổi chơi này, con sẽ cơ hội được gần gũi và thân thiết hơn với các bạn. Tôi luôn khuyến khích con mời bạn bè về nhà chơi để các con có thêm không gian vui đùa, đồng thời giúp tôi nhận biết được bạn bè của con.
Mỗi khi bạn Bon đến nhà, tôi vui vẻ chuẩn bị đồ ăn và đôi khi cũng biến mình trở thành một đứa trẻ để cùng chơi đùa với các con. Nhìn các con vui vẻ bên nhau như vậy, tôi cũng thấy vui lây.
Nhìn thấy con yêu lớn lên từng ngày, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc và may mắn vì đã có con trên đời. Nếu cho tôi lựa chọn lại cách giáo dục con thì chắc chắn tôi vẫn kiên trì đi theo con đường này. Tôi luôn nỗ lực hết mình để tạo dựng cho con một cuộc sống tràn ngập tiếng cười và tình thương.