Đối với trẻ nhỏ, một chế độ dinh dưỡng phù hợp rất quan trong cho sự phát triển thể chất và trí tuệ. Do đó, việc biết được các loại thực phẩm dễ gây dị ứng cho trẻ sẽ giúp các bà mẹ xây dựng một thực đơn tốt nhất cho tương lai của con.
Hải sản có vỏ
Hải sản thường giàu đạm và các dưỡng chất cần thiết khác. Hải sản cũng rất ít chất béo no và chứa axit béo không no omega 3, là chất béo cần thiết cho cơ thể. Hải sản còn giàu vitamin (đặc biệt là vitamin nhóm B) và khoáng chất (canxi, kẽm, sắt, đồng, kali..). Do đó, hải sản sẽ góp phần đa dạng cho chế độ ăn cân đối, khỏe mạnh và giúp trẻ tăng trưởng.
Tuy nhiên, các loại hải sản có vỏ như: tôm, cua, sò… là ‘hung thủ’ số 1 gây bệnh dị ứng cho trẻ em. Các bác sĩ Nhi khoa hàng đầu thế giới đặc biệt khuyến cáo các mẹ chỉ cho trẻ nếm thử loại thực phẩm này từ 1 tuổi trở lên.
Lưu ý: Nếu gia đình có tiền sử bị dị ứng hải sản, cần hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ trước khi quyết định cho bé ăn.
Theo các bác sĩ Nhi khoa, lượng hải sản phù hợp với từng độ tuổi của trẻ là:
Trẻ 1-3 tuổi: Mỗi bữa ăn 30-40g thịt hải sản. Có thể mỗi ngày ăn 1 bữa hải sản nấu với cháo hoặc mỳ, bún, súp.
Trẻ từ 4 tuổi trở lên: Có thể ăn 1-2 bữa hải sản/ngày, mỗi bữa có thể ăn 50-60g thịt hải sản. Nếu ăn ghẹ có thể ½ con/bữa; tôm to có thể ăn 1-2 con/bữa (100g cả vỏ).
Lưu ý: Với những lợi ích về dinh dưỡng không thể chối cãi của các loại hải sản, mẹ có thể cho bé ăn hàng ngày nhưng cần tập cho bé ăn ít một, từ ít đến nhiều, chọn loại tươi ngon, chế biến nấy kỹ để tránh ngộ độc thức ăn.
Trứng
Hàng năm có khoảng 2,5% trẻ đang lớn bị dị ứng trứng (chủ yếu là dị ứng với các protein trong lòng trắng trứng) gây phát ban, buồn nôn, tiêu chảy, khó thở, mẩn, ngứa. Ngoài ra, những bé bị dị ứng với trứng thường có nguy cơ mắc dị ứng mũi và hen suyễn. Do vậy, nếu bạn muốn, có thể cho bé ăn lòng đỏ trứng nhưng phải đợi đến khi bé hơn 5 tháng tuổi.
Tùy theo tháng tuổi mà cho bé ăn trứng với số lượng khác nhau:
- Trẻ 6-7 tháng tuổi: chỉ nên ăn 1/2 lòng trứng gà/bữa, ăn 2-3 lần/tuần
- Trẻ 8-12 tháng tuổi: ăn 1 lòng đỏ/bữa, ăn 3-4 bữa trong 1 tuần.
- Trẻ 1-2 tuổi: nên ăn 3-4 quả trứng/tuần, ăn cả lòng trắng.
- Trẻ từ 2 tuổi trở lên nếu bé thích trứng có thể cho ăn 1 quả/ngày.
Các loại trái cây có vị chua
Hẳn nhiều mẹ sẽ vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng, các loại trái cây, củ quả có vẻ 'thân thiện', 'hiền lành' như dâu tây, cà chua... lại có thể là nguyên nhân gây dị ứng thực phẩm ở trẻ em, bởi có chứa hàm lượng axit cao.
Vì vậy, nếu phát hiện thấy sau khi ăn loại trái cây, củ quả này... trẻ có mẩn đỏ quanh miệng, mẹ cần đặc biệt lưu ý. Đây là loại dị ứng nhẹ và các bác sĩ Nhi khuyên rằng trẻ dưới 1 tuổi không nên ăn đồ chua.
Sữa động vật (đặc biệt là sữa bò)
Dị ứng sữa là một trong những dạng dị ứng phổ biến ở trẻ nhỏ, chiếm khoảng 2,5%. Bé có thể xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, thở khò khè, phản ứng trên da (ngứa, nổi mề đay). Dị ứng sữa là do cơ thể không sản xuất lactase, một enzyme cần thiết để tiêu hóa đường chủ yếu trong sữa.
Để khắc phục tình trạng dị ứng sữa ở trẻ, mẹ có thể làm sữa chua hoặc đun sôi sữa lên trước khi cho bé uống. Trong trường hợp trẻ vẫn tiếp tục bị dị ứng, tốt nhất nên dừng lại không cho trẻ uống sữa động vật nữa.
Đậu nành
Trung bình khoảng 0,3% trẻ em mắc phải chứng dị ứng này. Nhưng rất may mắn là hiện tượng dị ứng với đậu nành là nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến trẻ.
Các triệu chứng dị ứng đậu nành bao gồm: ngứa ran trong miệng, phát ban, ngứa, sưng tấy, thở khò khè, chảy nước mũi hoặc khó thở.... Ngoài ra, Đau bụng, tiêu chảy và buồn nôn cũng rất phổ biến.
Các nhà nghiên cứu xác định ít nhất 15 chất gây dị ứng có trong protein đậu nành. Trong khi hầu hết các loại dị ứng ở trẻ em sẽ biến mất sau tuổi lên 3, nhưng dị ứng đậu nành lại thường xuất hiện ở tuổi lên 7 và có thể tồn tại đến tuổi trưởng thành.