SỨC KHỎE » Chăm con

Trả giá đắt vì cho con làm bạn với Ipad

Thứ tư, 02/04/2014 11:25

Được vui chơi, tự do đùa nghịch chính là nhu cầu của trẻ em. Thông qua các trò chơi, trẻ sẽ dần trang bị được những kỹ năng sống, thiết lập mối quan hệ với thế giới xung quanh. Tuy nhiên ở Việt Nam, nhiều ông bố bà mẹ lại dành rất ít thời gian.

Chị Thanh, một nhân viên văn phòng cho biết: Chị không có thời gian để chơi với đứa con 3 tuổi của mình. Cứ hết giờ làm chị lại tất bật về nhà chuẩn bị cơm nước cho gia đình, tắm giặt cho con, ăn tối xong thì rửa chén bát, dọn dẹp, đi tắm, giặt đồ của hai vợ chồng. Xong xuôi cũng phải 8-9h. Lúc này chị cũng chỉ kịp xem tivi, lướt web, chơi với con một chút rồi cho con đi ngủ. 

Chồng chị thì dạy thằng cu lớn học sau đó lại phải ôm máy tính làm thêm việc ngoài giờ. Cái vòng luẩn quẩn ngày nào cũng như vậy nên anh chị hầu như không có thời gian chơi với con. Chỉ có dịp cuối tuần anh chị mới cho con đi công viên, vườn bách thú hoặc vào các trung tâm thương mại để tham gia các trò vui chơi ở đây. Tuy nhiên cũng không phải thường xuyên.

Vì công việc bận rộn, nhiều bố mẹ không có thời gian chơi với con.

Còn chị Mai, nhân viên trong ngành truyền thông mới đây cũng tá hỏa vì con trai có dấu hiệu bị bệnh tự kỉ. Thằng bé cứ đến lớp là xô đẩy, giành đồ chơi với các bạn và mỗi khi không vừa ý lại hét toáng lên. 

Mẹ và cô giáo quát đều không nghe khiến chị rất đau đầu. Được hỏi ở nhà chị có hay chơi với cháu hay cậu bé có bạn bè cùng chơi không thì chị lắc đầu, công việc của chị bận rộn, có khi cuối tuần cũng phải đi tiếp khách nên chị giao con cho bà giúp việc chăm sóc.

 Buổi tối thì chị cho thằng bé chơi game trên điện thoại, Ipad để chị có thời gian rảnh rang làm việc khác. Nhưng chị không biết được rằng chính việc “lười” giao tiếp, lười trò chuyện và chơi với con khiến thằng bé bị cô lập, đến lớp không biết giao tiếp để hòa nhập với các bạn và hay nổi xung, cáu bẳn khi không vừa ý. Thằng bé chỉ thích thu mình một góc và chơi các trò chơi điện tử trên Iphone, Ipad.

Chỉ một vài trường hợp nhưng cũng đang phản ánh thực trạng hiện nay nhiều ông bố bà mẹ Việt do bận rộn với công việc mà rất lười chơi với con, thậm chí không biết cách chơi với con, đó là thiệt thòi của trẻ con. Bởi với trẻ em, chơi chính là học. Khi chơi với con đồng thời dạy kiến thức sẽ giúp trẻ hình thành kỹ năng sống, giao tiếp với mọi người xung quanh, đồng thời phát triển khả năng tìm tòi, sáng tạo, khám phá thế giới của trẻ.

Nhân đây chuyên mục Mẹ và bé sẽ giới thiệu những trò chơi đơn giản để bố mẹ có thể dạy con chơi ở nhà vào những lúc rảnh rỗi.

Trò xâu chuỗi hạt

Với trò chơi xâu chuỗi hạt bạn giúp bé phối hợp các nhóm cơ tay và mắt, rèn luyện tính kiên trì, khả năng nghe hiểu ngôn từ và bắt chước động tác phức tạp.

Trò xâu chuỗi hạt với những nguyên liệu đa dạng và màu sắc cuốn hút

Nguyên liệu:

-Một sợi dây nhựa, dây thép hoặc dây cước

-Nui, bim bim hoặc những hạt gỗ, hạt nhựa có lỗ tròn ở giữa để xuyên qua. Những hạt này được để trong rổ hoặc hộp.

Nguyên liệu để xâu hạt có thể là những hạt nui hoặc bim bim.

Thực hiện:

Xâu hạt để có những chuỗi vòng cổ, vòng tay xinh xắn. 

Một tay cầm hạt, một tay cầm sợi dây từ từ xâu hạt vào dây. Lần lượt xâu hạt cho kín dây rồi vặn xoắn hai đầu dây giấu vào bên trong. Thật đơn giản mà bé đã có những chuỗi vòng tay hoặc vòng cổ để đeo hoặc tặng mẹ rồi. Bé sẽ rất thích thú khi gặt hái được thành quả là những chuỗi hạt đầy màu sắc đấy.

Tìm hình giống nhau

Nguyên liệu: Những mảnh giấy màu và giấy bìa

Thực hiện:

Mẹ có thể cắt những hình giống nhau như hình đôi tất, hình quả cam, hình chiếc cốc, hình cái thìa, hình con thỏ, hình cái kẹo, hình ngôi sao… Rất nhiều hình con vật, đồ vật, vật dụng trong nhà tùy ý. Sau đó nhờ bé tìm ra các hình giống nhau và dán lên mảnh bìa.

Trò chơi: Bé tìm đôi. 

Để tăng độ khó mẹ có thể cắt những hình tròn to, trong hình tròn đó lại vẽ những hình giống nhau. Sau đó mẹ cắt rời hình tròn ra để con tìm và ghép. Khó thêm một chút là mẹ sẽ vẽ những cái ly nhưng là nhiều loại ly, cốc khác nhau. Khó nữa là sẽ là những nhạc cụ phát ra âm thanh.... Tuỳ mẹ muốn dạy con về cái gì thì tìm hình ảnh cho phù hợp. Bằng trò chơi đơn giản bé đã biết xếp những vật giống nhau vào cùng một đôi với nhau và dần có khái niệm về những đồ vật có đặc điểm tương đồng.

Bé tìm và ghép các bức hình giống nhau

Lăn đổ chai

Nguyên liệu:

-Chai, lọ nhựa, hộp giấy

-Quả bóng nhỏ

Mẹ chuẩn bị các chai lọ nhựa không dùng đến cho con

Cách chơi:

Trò này gần giống trò chơi bowling của người lớn. Mẹ chỉ cần xếp các chai lọ nhựa, hộp giấy đứng trong một hình tròn nhỏ và cho bé ngồi ở khoảng cách xa vài mét. Hướng dẫn bé lăn quả bóng để chai đổ. Sau khi chai đổ, bé chạy lại xếp lại chai lọ và tiếp tục chơi.

Bé lăn đổ chai.

Trò chơi này giúp trẻ vận động và rèn phản xạ mắt cho bé.

Trò rót nước

Trò chơi này mẹ chỉ cần chuẩn bị nguyên liệu rất đơn giản là bình nước và những chiếc cốc nhựa có kích cỡ to nhỏ khác nhau.

Bé tập rót nước từ bình ra cốc.

Mẹ hướng dẫn bé rót nước từ cốc to sang những chiếc cốc nhỏ hơn. Ban đầu bé có thể phải rót nước bằng cả hai tay và còn làm đổ ra ngoài. Nhưng dần dần bé sẽ đạt tới kỹ năng chỉ cần rót nước bằng một tay mà thôi. Cho đến khi bé thành thạo thì mẹ sẽ không cần phải lấy nước cho con nữa mà hãy để trẻ tự làm.

Trò này rèn cho bé khả năng kiên trì, độ khéo léo của đôi bàn tay cho bé và dạy con cách rót nước từ bình ra cốc.

Trò chơi ghép hình

Một cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng những trò chơi lắp ráp sẽ tạo nên những thử thách trí tuệ và khơi nguồn sự sáng tạo kỳ diệu của bé.

"Dụng cụ" ghép hình mẹ chuẩn bị cho bé.

Bạn có thể chuẩn bị những bảng gỗ hoặc nhựa với những con giống hoặc những hình khối hãy để con tự động “nghiên cứu” và ghép đúng miếng hình vào vị trí thiếu. Đây sẽ là cách giúp bé rèn luyện nhiều kĩ năng: quan sát, kiểm tra và suy đoán.

Bé chơi xếp hình vào đúng vị trí

Xếp và ghép hình luôn là niềm đam mê bất tận đối với nhiều trẻ em. Đối với trẻ nhỏ bạn có thể dùng tối đa là 5-10 miếng ghép còn với trẻ lớn hơn thì có thể là vài chục miếng. Trò chơi này sẽ giúp thị giác phát triển tốt hơn, đồng thời kích thích nhận thức và kỹ năng vận động cho trẻ.

Trò chơi: Cuộc sống ở Bắc cực

Một trò chơi rất thú vị được một bà mẹ yêu vật lý đã chia sẻ trên một diễn đàn nuôi dạy con đó là cho con trải nghiệm cuộc sống ở Bắc cực.

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

- Một khay nhựa có lòng hơi sâu một chút, có thể là khay đựng đồ chơi của con

- Làm đá: Sử dụng các loại khay khác nhau về độ lớn, hình dạng khác nhau.

- Chuẩn bị đồ chơi là các động vật sống ở Bắc cực và cả các con vật không sống ở Bắc Cực nữa để "thử thách" con.

Trò chơi: Cuộc sống ở Bắc Cực 

vietnamnet.vn