Bị bệnh mà không rõ nguyên nhân
Sau một quãng thời gian dài mang nặng đẻ đau, một số bà mẹ trẻ không tìm thấy niềm vui khi lần đầu tiên được làm mẹ. Họ rơi vào trạng thái vui buồn lẫn lộn, lo âu, mệt mỏi, dễ xúc động, ăn không ngon, mất ngủ kéo dài, suy nhược cơ thể mà không rõ nguyên nhân. Chính điều này đã kiến cho các chị em cảm thấy mệt mỏi, tinh thần hoảng loạn dẫn đến mắc bệnh trầm cảm sau sinh.
Theo bác sĩ Mạnh Quân (Bệnh viện tâm thần Trung ương) chia sẻ, bệnh trầm cảm sau sinh xảy ra rất ít, nhưng vẫn có những trường hợp mắc phải căn bệnh này. Nếu không kịp phát hiện thì bệnh trầm cảm sẽ kéo dài và trở nên khó điều trị hơn.
Biểu hiện của bệnh trầm cảm là người bệnh có nét mặt trầm buồn, chán nản; cảm thấy cô độc, lẻ loi, mất thích thú trong cuộc sống; đi đứng chậm, cảm giác nặng nề, mệt mỏi, như không còn sức khỏe làm việc, làm nhẹ cũng mau mệt; không thích gần vợ gần chồng, con cháu vui chơi cũng không quan tâm; mất ngủ kéo dài mà không ngủ lại được; hay than nhức đầu, mỏi cổ, mỏi gáy. Có người có cảm giác lo lắng vô cớ, ám ảnh bệnh tật vô lý, có từng cơn sợ sệt nhưng lại dễ giận. Nhiều người có suy nghĩ chán đời như có lỗi với người thân với gia đình, không đáng sống; hay nợ nần về mặt kinh tế, bế tắc trong cuộc sống với nhiều suy nghĩ tiêu cực đôi khi có ý nghĩ tìm đến cái chết… Chính những lý do đó dẫn đến bệnh trầm cảm của người phụ nữ, đặc biệt ở phụ nữ sau sinh trở nên nghiêm trọng hơn.
Phải giữ tinh thần thoải mái
Bác sĩ Quân cho biết thêm để giúp tránh được bệnh trầm cảm sau sinh tốt nhất chúng ta để tinh thần thật thoải mái, tránh tác động mạnh về mặt tâm lý, phải có chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, hoạt động hợp lý. Phụ nữ sau sinh thường xảy ra rất nhiều vấn đề vì vậy chúng ta không nên quá suy nghĩ tập trung vào một vấn đề sẽ làm cho hệ thần kinh bị ảnh hưởng dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực.
Nếu trong trường hợp bệnh trầm cảm sau sinh có dấu hiệu nặng thì phải uống thuốc để điều trị và đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu người bệnh có dấu hiệu mất ngủ thường xuyên thì có thể uống 1 viên thuốc ngủ nhưng không được lạm dụng thuốc mà chỉ được uống trong thời gian ngắn, tối đa là 1 tuần vì uống nhiều không tốt cho sức khỏe. Khi nào người bệnh thấy tinh thần căng thẳng có thể mát-xa đầu, nghe bản nhạc vui hoặc xem bộ phim hài để làm đầu óc được thư giãn.
Ngoài ra, các thành viên trong gia đình cần phải hỗ trợ quan tâm hơn, cần tạo ra một bầu không khí vui tươi, chan hòa tình cảm cho sản phụ; tránh gây ra những tổn thương tâm lý nặng. Nếu thấy họ có biểu hiện buồn rầu, chán nản thì đưa đi khám bệnh viện chuyên khoa ngay để có những phương pháp điều trị thích hợp.
Theo Ths. Bs Quốc Tuấn (Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe), trầm cảm sau sinh là một bệnh do ảnh hưởng hay bị chấn động mạnh về mặt tâm lý. Ở nhiều phụ nữ sau quá trình dài mang thai rồi sinh nở, rồi lại tiếp tục đối diện với việc chăm con nhỏ đã làm cho sức khỏe giảm sút. Bên cạnh đó một số chị em bị ảnh hưởng viêm nhiễm sau sinh, viêm tắc tuyến sữa, thức đêm chăm con, ăn uống không điều độ lại không có người giúp đỡ dẫn đến những ức chế về mặt thần kinh sinh ra chứng trầm cảm.
Đối với phụ nữ mang bầu cần phải thư giãn, tìm hiểu một số vấn đề bệnh lý sau sinh để tránh mắc phải trầm cảm. Khi phát hiện người bị trầm cảm phải trấn an, tìm hiểu, tìm cách quan tâm và đưa đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm sẽ tránh được cơn trầm uất, thất thần quẫn trí.
Để điều trị căn bệnh này, ngoài việc tìm đến bác sĩ, phối hợp thuốc chống trầm cảm và tâm lý liệu pháp, các thành viên trong gia đình cần hỗ trợ người bệnh trong mọi công việc để tạo ra không khí vui tươi trong gia đình. Đây là một trong những phương thức giúp người trầm cảm nhanh chóng khỏi bệnh.