SỨC KHỎE » Chăm con

Trẻ có 3 điều này tương lai định sẵn trở thành đứa con hiếu thảo, bố mẹ được nhờ

Thứ năm, 02/04/2020 08:59

Dạy trẻ có tấm lòng hiếu thảo chính là chúng ta đang giáo dục trẻ có một tâm hồn nhân hậu, vị tha, biết yêu thương, biết đồng cảm và quan trọng nhất đó là giúp trẻ không trở thành những con người vô cảm, ích kỷ chỉ biết sống vì bản thân.

Bất kỳ ai khi đã làm cha, làm mẹ đều mong con mình được khỏe mạnh, khôn lớn, thành công và đặc biệt luôn hiếu thảo với cha mẹ. Nếu bé nhà bạn có những dấu hiệu dưới đây thì xin chúc mừng, bé trong tương lai sẽ rất hiếu thảo, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cha mẹ khi về già.

Thấu hiểu sự vất vả của cha mẹ

Những đứa trẻ biết suy nghĩ, hiếu thảo thường rất quan tâm đến công việc cha mẹ đang làm, thấu hiệu sự mệt mỏi, vất vả đó nên chúng sẽ thường xin tham gia vào các công việc dọn dẹp đơn giản để giúp đỡ bố mẹ.

Từ nhỏ, những đứa trẻ này đã biết chia sẻ những khó khăn, vất vả với gia đình, chính vì vậy chúng sẽ nhìn thấu được những cực nhọc mà cha mẹ phải trải qua. Chúng hiểu được rằng cuộc sống không hề toàn màu hồng và những thứ tốt đẹp trẻ đang có được là do sự cố gắng, yêu thương và vất vả của cha mẹ. Vì vậy, ý thức chia sẻ, san sẻ trong cuộc đời luôn tồn tại trong tâm trí trẻ.

Việc làm này tuy nhỏ nhưng nó mang tính xây dựng, kết nối tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái. Nó giúp trẻ luôn nhận ra rằng mình phải hiếu thảo với cha mẹ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào đi chăng nữa.

Biết nhận lỗi

Thông thường khi con trẻ mắc lỗi bị bố mẹ phê bình chúng sẽ khóc lóc thậm chí là ăn vạ. Đối với một đứa trẻ khi bị bố mẹ phê bình không khóc lóc ăn vạ thậm chí còn chủ động nhận lỗi với bố mẹ, biết sửa chữa những lỗi lầm của mình thì lớn lên sẽ rất hiếu thảo. Hơn nữa, trong quá trình giao tiếp với những người xung quanh, khi mắc lỗi chúng sẵn sàng chịu trách nhiệm, không đổ lỗi cho người khác.

Trẻ biết kính trên nhường dưới

Một đứa trẻ hiếu thảo sẽ biết cách xưng hô lễ phép với ông bà, cha mẹ: dạ vâng, ạ, thưa,… Giúp mọi người trong gia đình một số việc vặt hoặc khi họ gặp khó khăn. Nói chuyện với ông bà, cha mẹ khi họ buồn hoặc khi họ cần người nói chuyện. Thể hiện sự quan tâm, yêu thương: tặng quà, xoa bóp đấm lưng, biếu thức ăn ngon cho ông bà, lấy tăm cho ông bà, bố mẹ sau bữa ăn, biết hỏi han quan tâm đến ông bà khi họ mệt, ốm đau, thông cảm với tuổi già và yêu thương mọi người trong gia đình vô điều kiện.

Ngoài ra, trẻ không ngại thể hiện cảm xúc, tình cảm giữa bản thân với ông bà, cha mẹ. Khi không hài lòng chuyện gì đó trẻ vẫn giữ thái độ đúng đắn, không nói những lời tổn thương ông bà, cha mẹ và luôn giữ nụ cười trên khuôn mặt để mọi người không buồn.

Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới