Nếu như ngày xưa, có đến 90% sản phụ chọn đẻ thường như một việc làm “tất lẽ dĩ ngẫu” thì ngày nay, cuộc sống hiện đại cộng với nền y học phát triển, số lượng các sản phụ chọn đẻ mổ lại không ngừng gia tăng.
Ngoài những sản phụ gặp vấn đề trong thai kỳ bắt buộc phải sinh mổ như: thai nằm không đúng ngôi trong bụng mẹ ngôi ngang, nhau thai nằm chắn đường ra của bé (nhau tiền đạo), tỷ lệ giữa em bé và vùng xương chậu của mẹ không cân xứng (em bé to, vùng xương chậu của mẹ hẹp), cạn ối... thì một số chị em có thai kỳ khỏe mạnh nhưng muốn chọn giờ sinh đẹp, tâm lý sợ đau, và không ảnh hưởng đến “vùng kín”… nên cũng chọn sinh mổ.
Dù vậy các chuyên gia khoa sản vẫn khuyên bà bầu đẻ thường được là tốt nhất. Cùng là cách đón con chào đời nhưng đẻ thường được chứng minh là mang lại rất nhiều lợi ích cho hệ hô hấp cũng như đường ruột của trẻ và giúp sản phụ nhanh phục hồi sức khỏe.
Dưới đây là những khác biết cơ bản giữa trẻ đẻ thường và đẻ mổ:
Hệ miễn dịch: Trẻ đẻ thường tốt hơn hẳn trẻ đẻ mổ
Trong quá trình chào đời bằng phương pháp sinh thường, trẻ phải đi qua âm đạo của mẹ và lúc này bé sẽ phải biết lựa chiều phù hợp với khung xương của mẹ, biết chồng các xương của mình lại để có thể đi ra một cách dễ dàng nhất. Bé sinh thường buộc phải ép ngực và lúc đó nước trong phổi sẽ ra hết. Khi bé khóc, phổi sẽ nở ra. Quá trình này sẽ khiến phổi hoạt động và nước ối trong đó cũng theo ra hết.
Trong khi đó với trẻ sinh mổ, việc không qua đường sinh tự nhiên khiến phổi của bé không được lực co thắt mạnh của cổ tử cung ép chặt để “vắt sạch” nước ối trong phổi, nên nhiều bé còn tồn dịch phổi, dễ bị khò khè hoặc mắc các bệnh về hô hấp sau này. Vì thế mà hệ hô hấp của những bé sinh thường bao giờ cũng tốt hơn sinh mổ.
Ngoài ra, khi sinh thường, trẻ sẽ được tiếp xúc với những vi khuẩn có lợi trong môi trường âm đạo của mẹ. Vì thế, tự cơ thể của bé có thể sản xuất hệ miễn dịch. Còn đối với trẻ sinh mổ, bé không tiếp nhận được vi khuẩn có lợi từ âm đạo của mẹ dẫn đến vi khuẩn có lợi chậm khu trú trong đường ruột nên sự phát triển của hệ miễn dịch cũng bị chậm trễ hơn.
Một ưu điểm nữa mà trẻ sinh thường nhận được là trong quá trình mẹ chuyển dạ sẽ sản sinh ra nhiều hormon giúp trẻ đề kháng tốt hơn. Nên trẻ sinh thường chỉ mất khoảng 10 ngày để hệ miễn dịch hoạt động tốt. Với trẻ sinh mổ, việc hoàn thiện hệ miễn dịch có thể kéo dài đến 6 tháng.
Với những lợi ích tối ưu cho hệ miễn dịch nên những em bé sinh thường khi mới chào đời thường ít ốm hơn trẻ sinh mổ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ sinh mổ hãy mắc bệnh hen suyễn, bệnh về hô hấp, bệnh về đường tiêu hóa và dị ứng (chàm sữa) hơn bé sinh thường.
Sinh thường tốt cho đường ruột của trẻ
Ngoài ưu điểm về hệ miễn dịch, do được thừa hưởng ở mẹ những vi khuẩn có lợi từ đó hình thành vi khuẩn có ích nên hệ tiêu hóa của trẻ sinh thường cũng tốt hơn, giảm nguy cơ mắc các bệnh về dị ứng thức ăn, giảm tỉ suất mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột nhờ tạo nên môi trường sinh lý chống lại vi khuẩn gây bệnh. Mặt khác, vi khuẩn đường ruột còn tham gia tổng hợp vitamin K, B rất tốt cho sức khỏe của trẻ.
Ngược lại với trẻ đẻ mổ do khả năng sinh ra vi khuẩn đường ruột chậm chạp nên cũng dễ gặp những vấn đề về tiêu hóa như: nôn trớ, ợ hơi, táo bón, trướng bụng, tiêu chảy... Ngoài ra, với hệ tiêu hoá còn non nớt dẫn đến việc hấp thu dưỡng chất bị hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, 2/3 hệ miễn dịch của trẻ nằm trong đường tiêu hóa. Vì thế, sự cân bằng của hệ tiêu hóa đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của hệ miễn dịch. Thậm cí, các loại vi khuẩn có lợi nằm trong đường tiêu hóa còn có thể hỗ trợ cơ thể trẻ sản xuất các chất kháng thể chống lại bệnh tật.
Nên sinh thường hay sinh mổ?
Với những lợi ích trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy đẻ thường hơn hẳn đẻ mổ. Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa mẹ bầu nào cũng nên đẻ thường. Nếu mẹ có thai kỳ khỏe mạnh thì nên đẻ thường còn với những mẹ bầu gặp bất cứ vấn đề gì trong quá trình bầu bí cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Việc đẻ thường hay đẻ mổ nên được bác sĩ quyết định chứ không phải sản phụ.
Để chọn được phương pháp sinh nở an toàn, các mẹ nên cân nhắc kỹ lượng và cần tuân thủ ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.