SỨC KHỎE » Chăm con

Trong quá trình bổ sung thức ăn dặm cho trẻ nhỏ, rất nhiều mẹ đang mắc phải 3 sai lầm này!

Thứ tư, 04/01/2023 09:53

Cho bé ăn dặm là một quá trình để tạo nền tảng cho sự phát triển thể chất lẫn vị giác của con trẻ. Đây là giai đoạn vô cùng quan trọng, nhiều mẹ đã gặp khó khăn trong giai đoạn này mà không biết do mình đã mắc những sai lầm căn bản.

Cho trẻ ăn dặm và rèn thói quen ăn uống cho trẻ là việc bất kỳ người làm cha mẹ nào cũng trải qua. Để hành trình này "ít chông gai nhất có thể", cần tránh những sai lầm phổ biến.

Lầm tưởng 1: Thức ăn càng phong phú càng tốt

Những sai lầm khi cho bé ăn dặm bố mẹ cần tránh (Ảnh minh họa)

Thực tế, trẻ nhỏ rất cần làm quen với nhiều loại thực phẩm khác nhau trong thời kỳ ăn dặm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ngay từ khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm, thức ăn phải phong phú, đa dạng cùng một lúc.

Hệ tiêu hoá của trẻ chưa hoàn thiện, không đủ khả năng tiêu hoá một số loại thức ăn, nhất là các loại thức ăn chứa nhiều protein, chất đạm, chất béo… Quá nhiều loại thức ăn một lúc không những khiến trẻ không tiêu hoá được, mà còn có thể gây dị ứng hoặc rối loạn tiêu hoá, loạn khuẩn đường ruột, rối loạn nhu động ruột.

Các mẹ nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm bằng những món ăn một thành phần trước để theo dõi và thử nghiệm phản ứng của cơ thể trẻ với các loại thức ăn đó. Sau khi trẻ đã quen dần với các món ăn dặm, mẹ có thể chế biến bữa ăn của trẻ trở nên đa dạng hơn.

Lầm tưởng 2: Thêm muối vào thức ăn của bé

(Ảnh minh họa)

Không giống như người lớn, trẻ em dưới 1 tuổi không cần được bổ sung thêm muối trong những món ăn hàng ngày. Thậm chí, việc nêm nếm, thêm muối vào thức ăn cho bé ăn dặm ngược lại có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé.

Trong giai đoạn này, bé chỉ cần 1 gram muối/ngày, lượng muối trong sữa mẹ, sữa công thức cũng đã đủ để đáp ứng. Thêm nữa, trong giai đoạn này, thận của bé vẫn còn khá non nớt, và không đủ sức để hấp thu thêm lượng muối dư thừa.

Ngoài muối, mẹ cũng không nên thêm đường, bột ngọt vào thức ăn của con. Để bé nếm thử mùi vị tự nhiên của các loại thực phẩm sẽ giúp kích thích và phát triển vị giác cũng như khẩu vị của bé.

Hiểu lầm 3: Cho ăn nhiều

(Ảnh minh họa)

Đây cũng là sai lầm mà rất nhiều bố mẹ mắc phải. Khi trẻ có hứng thú ăn dặm và được giới thiệu thức ăn dặm sẽ có nhiều bé rất thích thú và có xu hướng rất thích ăn và ăn rất nhiều, thậm chí có những bé có xu hướng giảm bú hẳn và ăn nhiều hơn.

Tuy nhiên, ăn nhiều không hề tốt cho bé. Ở giai đoạn đầu, đặc biệt giai đoạn bé 6 - 8 tháng là giai đoạn giúp cho hệ tiêu hóa còn non nớt của bé làm quen dần dần với việc tiêu hóa thức ăn và xử lý độ thô còn dinh dưỡng vẫn còn lấy chính từ sữa.

Nếu bé ăn thức ăn dặm quá nhiều dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa như táo bón hay tiêu chảy. Lượng sữa nạp vào cơ thể sẽ bị giảm dẫn đến tình trạng dễ thiếu chất dinh dưỡng. Cân nặng có thể tăng kém thậm chí sẽ có những bé sẽ chững cân vài tháng sau khi bắt đầu ăn dặm do hàng ngày bé ăn lượng quá nhiều.

Nguyễn Giang (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)