Độc giả Nguyễn Thị Hoài Thu (Hà Nội) bày tỏ lo lắng: “Hiện tại em mang thai 27 tuần rồi nhưng bụng bầu em to lắm. Đi ra đường ai cũng bảo em sắp đẻ đến nơi, thế mới khổ chứ. Em cũng lo lắng và đem băn khoăn này hỏi bác sĩ, nhưng bác sĩ nói em bé vẫn đang phát triển bình thường, không có vấn đề gì cả. Thế nhưng bụng bầu to cũng khiến em vô cùng khó khăn trong việc nằm ngủ. Ngay từ trước khi có thai, em đã có thói quen nằm ngửa để ngủ. Khi bầu bì những tháng đầu em vẫn nằm trong tư thế này nhưng giờ bụng bầu to rồi, nhiều đêm em không thể ngủ được vì nằm không thoải mái.
Đã thế hôm quá, trong câu chuyện với cô bạn thân, đã từng mang thai và sinh con, cô ấy bảo em không được nằm ngửa nữa vì như thế sẽ gây hại cho thai nhi, khiến em bé không thể lấy được oxy thông qua nhau thai. Bạn em nói nằm ngửa quá lâu có thể khiến thai nhi chết lưu nữa. Em nghe xong mà hoảng vô cùng, liệu những điều bạn em nói có đúng không. Bầu bí nặng nề như em thì nên nằm tư thế nào để tốt cho cả mẹ và con đây?”
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ CKII Lê Thị Chu (Bệnh viện Phụ Sản An Thịnh) cho biết: “Thai đơn to có thể là do mẹ bầu béo và có chế độ ăn uống nhiều chất. Việc đầu tiên mẹ bầu này cần làm là nên đi kiểm tra tiểu đường vì bị bệnh tiểu đường thai kỳ cũng có thể dẫn đến thai nhi to.”
Về tư thế nằm khi mang thai, bác sĩ Chu cũng cho biết khi có bầu, mọi động tác nằm xuống hoặc ngồi dậy với mẹ bầu đều phải nhẹ nhàng, từ từ. Khi bà bầu đang nằm mà muốn ngồi dậy thì nên nghiêng sáng trái sau đó từ từ ngồi dậy chứ không nên nằm ngửa rồi ngồi dậy luôn. Khi ngồi, muốn nằm cũng những như vậy nhưng theo hướng ngược lại.
Bác sĩ cũng chia sẻ về nguyên nhân khiến mẹ bầu cảm thấy khó chịu khi nằm là do thai to nên có thể gây ra tình trạng mạch máu chèn ép vào động mạch chủ bụng, lưu thông máu không tốt gây nặng nên ở vùng sinh dục. Tư thế nằm giúp mẹ bầu thoải mái nhất là thỉnh thoảng nên quay sáng trái, nằm nghiêng về bên trái và gác chân lên cao một chút. Nằm nghiêng sang trái sẽ giúp máu ở động mạch chủ vào tử cung dễ hơn, cung cấp oxy nhiều hơn cho thai nhi.
Bác sĩ Chu cũng khuyên sản phụ Thu để được an toàn nhất thì nên đến khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa sản.
Cũng theo các chuyên gia khoa sản, ở 3 tháng đầu, khi bụng bầu còn nhỏ, lực tác động lên cơ thể của mẹ là chưa đáng kể nên bà bầu có thể ngủ tùy ý với nhiều tư thế, nằm ngửa hay nằm nghiêng đều thích hợp. Tuy nhiên, nếu có thói quen nằm sấp hoặc ôm gối ngủ thì bà bầu nên thay đổi bởi đây không phải là tư thế mang đến giấc ngủ ngon và an toàn cho thai kỳ.
Đến 3 tháng giữa, nếu mẹ bầu có nước ối quá nhiều hoặc mang song thai thì nên nằm nghiêng. Tư thế ngủ này khiến bà bầu thoải mái hơn và không gây áp lực lên bào thai như các tư thế nằm khác. Nếu bà bầu cảm thấy phần chân nặng nề, có kê chân lên gối mềm.
Tư thế nằm của mẹ bầu trong 3 tháng cuối rất quan trọng, liên quan chặt chẽ đến sự an toàn của thai nhi. Trong những tháng cuối của thai kỳ, tử cung thường xoay về phía bên phải, vì vậy bà bầu nên nằm nghiêng trái để giảm bớt áp lực cho các động mạch và vùng xương chậu, đồng thời làm tăng quá trình lưu thông máu, cung cấp dưỡng chất cho thai nhi. Nếu hai chân mẹ bị phù to hoặc các tĩnh mạch ở chân căng lên, bà bầu có thể vừa nằm nghiêng trái vừa kê cao chân một chút sẽ giúp máu lưu thông, làm chân bớt phù nề.
Ngoài việc chú ý đến tư thế nằm, bà bầu không nên nằm giường cứng, kê đầu quá cao và mặc đồ chật chội. Có như vậy mới tạo ra sự thoải mái cho bà bầu và thai nhi, giúp 2 mẹ con có giấc ngủ ngon.