SỨC KHỎE » Chăm con

Vợ Baggio bật mí bí quyết giúp con không ăn vạ

Thứ sáu, 10/07/2020 10:24

Từng rất stress khi hai con ăn vạ nhưng hiện tại Quỳnh Trâm - vợ Baggio đã có bí quyết cho riêng mình.

Từng có nhiều sóng gió nhưng Baggio và Quỳnh Trâm đã cùng nhau vượt qua khó khăn để có một gia đình hạnh phúc. Hiện tại, cặp đôi có hai cậu con trai kháu khỉnh, đáng yêu. Quỳnh Trâm cũng được nhiều người quan tâm hơn khi thường xuyên chia sẻ về bí quyết làm đẹp, chăm con.

Mới đây, trên facebook của mình, vợ của Baggio đã bật mí cách giúp con hết ăn vạ: "Từng rất stress vì con ăn vạ nhưng mình đã tìm được "bí quyết".

Mình nghĩ đây là vấn đề mà nhiều bố mẹ rất quan tâm, trước đây bản thân mình cũng vậy, lần đầu làm mẹ của 2 bé sinh đôi thật không dễ dàng đặc biệt là khi đến những thời điểm phát triển về tâm lý nên mình đã rất stress và tự nhủ phải tìm cho ra 1 cách phù hợp để “cai” bộ môn ăn vạ của 2 anh bạn này. Với cách thức này mình hy vọng sẽ giúp các bố mẹ nào cần sớm đạt được kết quả.

Trước khi đi cụ thể vào cách thức thì mình sẽ cùng nhau hiểu định nghĩa của “Ăn vạ” là thế nào? Nghĩa là "Ở ỳ, nằm ỳ ra để đòi cho kì được hoặc để bắt đền".

Quỳnh Trâm từng bị stress vì con ăn vạ.

Đối với mình “ăn vạ” ở trẻ nói chung là phản ứng rất bình thường khi các bạn nhỏ bị thất vọng, bứt rứt mà không biết cách kiểm soát cảm xúc của mình... Thường sẽ có hành động khóc, lèo nhèo thậm chí là tự làm đau bản thân như đập đầu, tự đánh, cáu bản thân, ném đồ đạc, lăn đùng gào khóc để đòi hỏi 1 yêu cầu nào đó mà không được đáp ứng. Đối với những trẻ trên 1 tuổi hành động này còn là 1 kiểu “vũ khí” dùng để “chiến đấu” đòi quyền lợi. Ăn vạ có thể có nhiều nguyên nhân ở các độ tuổi (theo như mình quan sát ở 2 bạn Ben và Liam) như đói, buồn ngủ, đòi hỏi mà không được đáp ứng, đố kỵ.... trước khi muốn “cai” được điều này bố mẹ phải hiểu được tâm lý của con trước đã, điều này giúp cai triệt để hơn và cũng giúp bố mẹ kiểm soát cơn giận của bản thân tốt hơn (nói vui là muốn đánh bại địch phải hiểu được địch)

Mình đã làm thế nào để “cai” Ăn vạ ở các con?

1. Luôn ráng bình tĩnh tránh nóng giận và tuyệt đối không đánh con! (nói dễ làm khó, phải nhớ luôn niệm thần chú “không đánh con, không la con”)

2. Tìm hiểu rõ nguyên nhân ăn vạ. Ngoài những đòi hỏi không chính đáng thì khi các con đói, buồn ngủ, đố kỵ tình cảm là những nguyên nhân mình sẽ phải làm rõ và không được bỏ qua.

3. Nói cho các con biết lý do vì sao những yêu cầu của các con không được đáp ứng.(nhẹ nhàng nhưng phải nhất quán)

4. Nếu con vẫn không chịu hiểu, vẫn giãy nãy khóc gào ăn vạ thì hãy cho con 1 không gian yên tĩnh và an toàn để con tự trải qua các giai đoạn cảm xúc của bản thân, điều này sẽ giúp các bé “trưởng thành” hơn trong cảm xúc và biết kiểm soát cảm xúc tốt hơn.

5. Thỉnh thoảng quan sát để đảm bảo con luôn an toàn nhưng không đến năn nỉ, “dụ khị”, nói qua chuyện khác để xao lãng cảm xúc tức giận của bé như vậy bé sẽ dễ tái “ăn vạ” ở những lần sau. (Mình thấy nhiều người hay “mua chuộc” cảm xúc của các bé bằng cách dùng đồ chơi, hoặc dụ, đánh lừa qua 1 câu chuyện khác, vậy chỉ khiến mọi chuyện tệ hơn vì các bé rất nhạy nắm được yếu điểm của người lớn để sử dụng ở những lần sau)

6. Sau khi đã trải qua các giai đoạn cảm xúc của mình thì sẽ đến giai đoạn bé bình tĩnh dần và sẽ cần được bố mẹ xoa dịu “nỗi đau” và lúc này là lúc tốt nhất để vừa ôm ấp xoa dịu và giải thích lý do các yêu cầu của bé không được đáp ứng, cho bé thấy bố mẹ rất yêu thương bé nhưng bé đòi hỏi không đúng thì sẽ không được chấp nhận.

Đây là cách mình đã sử dụng trong 3 năm qua và điều mình gặt được bây giờ là 2 bạn Ben và Liam rất biết đúng sai cái gì nên cái gì không, “cai” được ăn vạ, nếu có xảy ra thì rất rất ít và trong thời gian ngắn, sau đó tự biết điều 2 bạn ấy đòi hỏi là không đúng. 2 bạn hiểu được khi bố mẹ từ chối là có lý do và lý do đó tốt cho 2 bạn!

Các giai đoạn cảm xúc của bé:

Cấp độ 1: giận dữ

Điều này cha mẹ có thể nhận ra thông qua tiếng hét, la rất lớn hoặc trút cơn giận dữ vào vật thể, bản thân, người khác. Tuy nhiên, thời gian nó diễn ra khá ngắn và chỉ dài khi có ai đó tác động vào cảm xúc này.

Cấp độ 2: giận dữ và buồn bã

Bắt đầu bằng sự mếu máu và khóc, giãy giụa giảm dần. Thời gian diễn ra khá dài, chiếm 40% tổng thời gian tantrum.

Cập độ 3: Đừng chạm tôi

Bắt đầu những biểu hiện giẫy nẩy lên khi bạn cố chạm vào bé hoặc dỗ dành bé. Thời gian diễn ra khá ngắn, chiếm 10% tổng thời gian tantrum.

Cấp độ 4: Tôi cần cái ôm

Bắt đầu với biểu hiện trẻ giảm đi những thái quá, nhìn ngó xung quanh, cơn khóc có thể vẫn còn, nhưng chịu khó nín khóc khi nghe ai đó nói đến bé. Thời gian này cũng khá ngắn, chỉ tầm 10%.

Cấp độ 5: Hết giận

Não trẻ nhỏ khó có thể mang cơn giận gữ hơn 1 tiếng đồng hồ vì trẻ luôn trong trạng thái học hỏi cảm xúc. Bạn sẽ để ý trẻ sẽ quên và chơi lại món đồ đó hoặc bạn đó bình thường.

Ở giai đoạn 1-2-3 thì mình nên để các bé có không gian riêng để tự trải qua và ko tiếp xúc bé".

Thu Trang (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới