Cây ngải cứu còn có tên trong dân gian là cây thuốc cứu, cây thuốc cao hay ngải điệp có tên khoa học Artemisia vulgaris L. họ Cúc Asteraceae.
Đây là một cây thuốc nam có rất nhiều công dụng chữa các bệnh như đau lưng, cầm máu, điều hòa khí huyết, điều hòa kinh nguyệt, an thai, trị mụn, lưu thông máu lên não...
Ngải cứu vừa là cây thuốc, vừa là cây rau có thể ăn hàng ngày. Với loại rau này, bạn có khi hái về phơi khô, tán nhỏ, rây lấy phần lông trắng và tơi gọi là ngải nhung, dùng làm mồi cứu để kích thích huyệt trong phương pháp châm cứu.
Trứng gà ngải cứu
Trứng gà ngải cứu giúp lưu thông máu lên não, trị bệnh đau đầu. Đây là món ăn quen thuộc bổ dưỡng của nhiều gia đình. Trứng gà tráng ngải cứu giúp lưu thông máu lên não trị bệnh đau đầu. Lấy một nắm lá ngải cứu, xắt nhỏ, đánh tan đều với 1 quả trứng gà, nêm hạt nêm vừa miệng, đổ vào chảo chiên chín.
Canh ngải cứu nấu thịt nạc
Bài thuốc chữa các bệnh của phụ nữ (kinh nguyệt không đều, khí hư, đau bụng do lạnh...). Thịt nạc heo băm nhỏ, ướp hạt nêm, xào qua, nêm nước, đun sôi cho rau ngải cứu. Canh sôi đều, nêm hạt nêm vừa miệng, ăn nóng.
Gà tần ngải cứu
Bồi bổ sức khỏe, hoạt huyết, xương cốt dẻo dai: 1 con gà đen khoảng 500gr, 3 trái táo đỏ, ý dĩ, kỷ từ, 3 lát sâm ta, ngải cứu, hạt sen, tam thất, hạt nêm. Gà làm sạch, mổ moi, nhồi tất cả các nguyên liệu vào trong gà, cho gà vào nồi, đổ săm sắp nước, nêm hạt nêm vừa miệng, tần cho đến khi gà mềm nhừ.
Cháo ngải cứu
Cháo ngải cứu có thể chữa động thai hoặc giảm đau thấp khớp. Cách nấu: lá ngải cứu tươi 50g, gạo tẻ 100g, đường đỏ vừa đủ (có thể cho thêm lá lốt). Thái nhỏ lá ngải cứu, nấu lấy nước để nấu cháo. Khi ăn cho đường vừa phải, ăn nóng. Chia 2 lần ăn sáng, trưa. Ăn liên tục 3 - 5 ngày.