Chè tự chọn vỉa hè
Khi ngồi “thưởng” chè ở đây, các “thượng đế” không chỉ “được” hít no bụi đường, nhất là vào giờ cao điểm, nhiều phương tiện lưu thông trên đường, mà còn được khuyến mại thêm hàng triệu vi khuẩn gây bệnh.
Ngay từ khi dọn hàng, đá, các tô đựng chè đã được bày la liệt ra đất, lẫn bụi bẩn và chẳng hề được che đậy trong khi chủ cửa hàng lôi từ trong một chiếc tủ gáu bẩn không kém nhà vệ sinh công cộng ra hàng loạt cốc, thìa cũng bẩn chẳng kém. Không khó để thấy, mỗi quán chè như vậy thường chỉ có 1 – 2 chiếc khăn vừa để lau bàn, vừa để lau cốc chén, thìa, dĩa.
Các “thượng đế” sẽ được khuyến khích dùng loại giấy lau mà theo tiết lộ của chủ một quán chè ở đây thì nó có giá chưa đầy 10.000 đồng/bịch lớn. “Đây là loại giấy lau do một cơ sở tư nhân ở ngoại thành Hà Nội sản xuất. Chúng có màu trắng, được tẩy rửa kĩ, tạo cảm giác sạch sẽ cho người sử dụng, chứ thực ra chúng còn độc hơn giấy vệ sinh mình mua ở nhà. Được cái, với loại giấy rẻ tiền này, khách có thể dùng tẹt ga, thích dùng bao nhiêu thì dùng, chứ chúng tôi không phải kè kè canh hộp giấy nữa”, bà B nói.
Nhân viên của bà B than thở: “Nhà bà ấy cách đây xa lắm, ai hơi đâu mà về xách nước liên tục được. Mới cả, ăn chè cũng sạch, chỉ cần tráng qua cốc, lau khô là được, có cần phải rửa bằng nước rửa bát đâu, nên chẳng cần nhiều nước làm gì. Khách ở đây toàn người trẻ tuổi, nên họ dễ tính lắm. Chẳng ai để ý mấy việc đó đâu”.
Bánh thủ công siêu bẩn
Tại TP.HCM, bánh chế biến thủ công được bày bán phổ biến ở các hàng tạp hóa, trên những xe đẩy, gánh hàng rong…, nhưng việc quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn bỏ ngỏ. Bánh thủ công bày bán tràn lan ngoài đường, trước cổng trường học, bệnh viện với “công nghệ sản xuất” “siêu” nhanh và giá “siêu” rẻ.
Với bộ dụng cụ và nguyên liệu gồm một chảo dầu, một thùng đựng nước bột mì, khoai lang thái mỏng, người bán có thể chế biến món bánh khoai chiên ở bất cứ đâu. Người bán gắp khoai lang đã nhúng bột, bỏ vào chảo, trở đều. Chảo dầu và thùng bột không được che đậy, trong khi con đường ngập bụi bặm và khói xe. Do chiên đi chiên lại nhiều lần, chảo dầu chiên đen ngòm, nhiều mảng bám cháy đen dưới đáy chảo.
Kinh hoàng bún đậu mắm...ruồi!
Chỉ cần 15.000- 20.000 đồng là có 1 suất bún đậu mắm tôm “siêu ngon” tại các vỉa hè dọc các con phố của Hà Nội. Giữa thời buổi “thóc cao gạo kém” này thì món ăn “ngon-bổ-rẻ” này là lựa chọn của rất nhiều thực khách, và nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm cũng từ đó tăng cao.
Tại một quán bún đậu mắm tôm trên đường Hoàng Quốc Việt, bà chủ quán nhanh tay vớt những miếng đậu trong chiếc chảo mỡ đen ngòm ra, bên cạnh là 1 chiếc ca để hâm mắm tôm.
Mắm tôm được bà chủ quán bún đậu này sử dụng là loại đựng trong can nhỏ, không nhãn hiệu, không nguồn gốc xuất xứ, rau sống được cũng được đựng trong một chiếc túi bóng màu nhờ nhờ, không rõ có được rửa sạch hay không nhưng không ít thực khách phải cau mày khi thỉnh thoảng lại gắp phải một cọng cỏ lẫn trong rau.
Với bàn tay trần, bà chủ quán vô tư vừa cắt bún cho khách, vừa rán đậu, thỉnh thoảng, chính bàn tay ấy lại cầm những chiếc rẻ lau cáu bẩn để lau bàn. Bát đũa thực khách ăn xong được “vứt” trong 1 chiếc xô gần đó, ruồi bâu đầy.
Bò lát lốt siêu bẩn
Bò nướng lá lốt là một trong những món ăn chơi hoặc làm mồi rất “bắt” bia của nhiều người, kể cả phái yếu. Một phần bò lá lốt khá đầy so với cái giá từ 20.000-30.000 đồng (bao gồm cả bún tươi, rau sống…).
Mùi thịt bò thơm phức ấy là từ hương liệu (tạo mùi bò không rõ xuất xứ) được bán với giá khá bèo ở chợ Kim Biên, An Đông và Bình Tây. Thứ nguyên liệu được cuốn trong lá lốt ấy là thịt heo gồm mỡ, bầy nhầy đã ôi thiu dậy mùi được người bán thu gom ở các chợ sau mỗi buổi chợ tan.
Nhưng có mấy ai biết rằng mình chính là nạn nhân của những người kinh doanh bẩn thỉu. Kinh hoàng hơn, không ít quán còn “tái chế” bằng cách hâm nóng thức ăn thừa mứa của khách bỏ lại.
Chân gà nướng
Chân gà nướng là món ăn phổ biến ở với rất nhiều địa điểm nổi tiếng như: chân gà nướng khu sân bay (quận Tân Bình); đường Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh) hay đường Bùi Thị Xuân (quận 1)… Đây luôn là những địa chỉ quen thuộc của các tín đồ mê món ăn này, nhất là trong những ngày trời se se lạnh.
Nhưng nhiều thực khách phải lắc đầu, lè lưỡi khi chứng kiến cảnh chủ quán nướng chân gà trên một “cái máng” đen dính đầy than. Chốc chốc người chủ này lấy chiếc chổi dùng để quét sơn ve phệt gia vị vào những chiếc chân gà để tăng thêm mùi vị hấp dẫn thực khách.