Một vài năm trước đây, hầu hết phụ nữ đều nghĩ đến những điều kinh dị với ý tưởng ăn nhau thai của mình. Tuy vậy, mới đây việc ăn nhau thai ngày càng trở nên phổ biến hơn, thậm chí có thể gọi là một xu hướng.
Các bà mẹ chọn ăn nhau thai của mình vì nhiều lý do. Theo các lời đồn, ăn nhau thai có thể chống lại trầm cảm sau sinh, tăng lượng sữa và giảm đau. Một số người thì cho rằng nhau thai có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là sắt.
Trên thực tế, chúng tôi phải cho bạn biết một sự thật có vẻ rất phũ phàng rằng, hiện nay chưa có một nghiên cứu hoặc một bằng chứng nào chứng minh lợi ích của việc ăn nhau thai. Thậm chí, gần đây một nghiên cứu đã chứng minh rằng, ăn nhau thai còn chẳng mang lại quá nhiều sắt cho cơ thể như lời đồn.
Cuộc nghiên cứu được thực hiện với 23 phụ nữ. 10 người sử dụng viên nang nhau thai trong 3 tuần, 13 người còn lại không dùng. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt ở mức độ sắt trong cơ thể những người phụ nữ này. Daniel Benyshek - một trong những người làm nghiên cứu cho biết: 'Hiện chưa có một nghiên cứu lâm sàng nào để chứng minh lợi ích hoặc rủi ro của việc ăn nhau thai. Thậm chí sử dụng viên nang nhau thai cũng chẳng cung cấp nhiều sắt hơn là mấy cho phụ nữ'.
Vẫn chưa có một bằng chứng nào có thể chứng minh ăn nhau thai tốt cho sức khỏe
Nghiên cứu này và kết quả của nó rất quan trọng và đã chứng minh được rằng cơ thể cần nhiều sắt hơn trong thời gian mang thai. Thiếu sắt sau sinh là hiện tượng phổ biến. Mặc dù uống thuốc nhau thai không có hại nhưng phụ nữ không nên phụ thuộc vào nó để chống thiếu sắt.
Vậy thiếu sắt là gì?
Tất cả chúng ta đều cần sắt trong cơ thể để sản xuất hemoglobin. Sắt rất quan trọng với chúng ta trong việc giữ mức năng lượng cần thiết, giữ ổn định sức khỏe tâm thần và thể chất của cơ thể. Khi không đủ sắt, chúng ta trở nên dễ bị nhiễm trùng như ho, cảm lạnh và có thể là cả trầm cảm sau sinh. Thiếu sắt thường khiến con người cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi bất thường. Tuy nhiên, hầu hết các bà mẹ sau sinh đều có thể chất rất yếu và thường mệt mỏi, nên việc thiếu sắt ở đối tượng này còn có các triệu chứng khác như:
+ Khó thở + Da nhợt nhạt + Thay đổi vị giác + Ù tai + Đau lưỡi + Đau đầu + Ngứa
Làm gì khi thiếu sắt?
Các chuyên gia về sức khỏe khuyên bạn nên điều trị thiếu sắt bằng việc sử dụng các thực phẩm như: thịt bò, gan, ngũ cốc, rau xanh. Ngoài ra, Vitamin C cũng giúp cơ thể hấp thụ sắt.