Thèm ăn ngọt hay chua là dấu hiệu phổ biến hơn so với việc ăn mặn. Tuy nhiên, thay đổi hormon trong thời kỳ mang thai, tình trạng ốm nghén hay thiếu nước, bà bầu thường thấy nhạt miệng do cơ thể dự trữ nước nhiều hơn khi bầu bí làm tăng nhu cầu về muối natri… là những nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ mang thai thèm ăn mặn. Một người phụ nữ bình thường tiêu thụ khoảng 1000-2000mg muối/ngày thì đến lúc mang thai, nhu cầu về muối có thể tăng lên 2000-4000mg/ngày.
“Nói vậy, không có nghĩa là bạn cần thêm muối vào khẩu phần ăn. Bởi vì nhu cầu thực phẩm tăng cao khi mang thai sẽ kéo theo lượng muối (chứa trong những loại thực phẩm đó) cũng tăng lên” – Colin Maphill (chuyên gia dinh dưỡng) chia sẻ. Do vậy, nếu lượng muối ăn vào cơ thể quá nhiều có thể gây những biến chứng nguy hiểm.
Tác hại của việc ăn mặn với thai phụ và thai nhi
- Nếu chứng thèm ăn mặn không được kiểm soát thì bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ tăng quá trình tích nước và muối dẫn đến tìn tạng phù nề, tăng huyết áp, đau đầu choáng váng, tức ngực, buồn nôn… Thậm chí, ăn mặn dẫn đến nguy cơ gây nhiễm độc thai nghén.
- Ăn mặn nhiều còn khiến bạn luôn bị khát nước, lượng chất trong cơ thể mất đi sự cân bằng và làm bạn mệt mỏi.
- Hơn nữa, thói quen ăn mặn còn làm giảm sự bài tiết của nước bọt, tạo môi trường cho các loại vi trùng sinh sôi trong đường hô hấp. Kết quả, sức đề kháng của niêm mạc miệng sẽ bị yếu nên bạn dễ mắc chứng viêm họng.
- Việc ăn mặn kéo dài sẽ kéo theo một loạt bệnh như liên quan đến huyết áp, thận, dạ dày.
- Trong thời kỳ thai nghén lượng tuần hoàn tăng, quá trình thay cũ đổi mới cũng nhanh hơn nhằm thích ứng với sự tuần hoàn của đế cuống rốn, nếu đưa thức ăn mặn quá nhiều, trữ lượng natri trong cơ thể tăng làm cho tim của người phụ nữ nặng gánh hơn, biểu hiện các triệu chứng như hồi hộp, buồn bực khó chịu, đi tiểu giảm, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
- Ngoài ra, mẹ bầu ăn mặn sẽ không tốt cho thận của thai nhi. Do thận và các cơ quan tiêu hóa của thai nhi đang trong quá trình hình thành và phát triển nên nếu mẹ ăn quá nhiều muối sẽ khiến thận của bé bị tổn thương.
Giảm thiểu tình trạng ăn mặn
Từ từ thay đổi và thích nghi với chế độ ăn nhạt dần. Bất cứ thay đổi nào về sở thích hay thói quen đều cần có một giai đoạn chuyển giao và thích nghi nhất định, ngay cả việc thèm ăn mặn của bà bầu cũng vậy. Vì thế đừng đột ngột loại bỏ hoàn toàn các món mặn ra khỏi thực đơn của bà bầu mà nên thực hiện từ từ, từng bước một theo cách chế biến món ăn ngày càng nhạt dần.
Hạn chế tối đa các món ăn mặn chế biến sẵn. Bà bầu thèm mặn thường tích trữ bên mình các món ăn chế biến sẵn như ô mai, mứt hoa quả sấy khô, khoai tây rán, bánh quy mặn v.v… Các món ăn này chứa lượng muối khá lớn
Tăng cường thực phẩm có ích cho sức khỏe. Chế độ ăn uống hợp lý và khoa học với sữa, các sản phẩm chế biến từ sữa, kết hợp nhiều rau xanh và trái cây tươi sẽ giúp bà bầu giảm dần thói quen ăn mặn. Đồng thời, các loại thực phẩm này lại rất tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé.
Uống nhiều nước. Bà bầu nên tạo thói quen uống nhiều nước trong ngày. Nếu cảm thấy nhạt miệng, bạn nên uống một cốc nước lọc hoặc nước hoa quả vì nước không chỉ giải khát mà còn giúp giải độc, loại bỏ bớt lượng muối trong cơ thể.
Ăn chậm nhai kỹ. Cách ăn này sẽ giúp bạn cảm nhận trọn vẹn mùi vị của món ăn, nhận thấy món ăn đậm đà hơn, đồng thời lại rất tốt cho hệ tiêu hóa và “đánh bay” cảm giác nhạt miệng - vốn là một trong những tác nhân gây nên chứng thèm mặn của bà bầu.
Khống chế lượng muối đưa vào cơ thể một cách khoa học và hợp lý góp phần rất lớn trong việc bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé yêu, vì vậy, bạn nên kiên trì để chứng nghén mặn dần giảm bớt. Một tin mừng cho các mẹ bầu thèm mặn là hầu hết chứng nghén mặn này có thể giảm khi bươc sang quý II của thai kỳ.