Miss Teen 2010 Đoàn Dạ Ly vừa qua đời vì ung thư buồng trứng ở tuổi 25 khiến cộng đồng không khỏi xót thương vì cô còn quá trẻ. So với mặt bằng chung, trường hợp 25 tuổi mắc ung thư buồng trứng không nhiều.
Dạ Ly từng gây chú ý khi tham gia cuộc thi Miss Teen 2010.
Khó phát hiện, tỉ lệ tử vong cao
Theo số liệu WHO 2018, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.500 ca mắc mới ung thư buồng trứng (năm 2017 là 1.200 ca), phổ biến thứ hai trong các bệnh ung thư phụ khoa ở nữ giới, chỉ sau ung thư cổ tử cung.
GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cho biết, so với ung thư vú thì số ca mắc mới ung thư buồng trứng chỉ chiếm khoảng 10%, tuy nhiên bệnh nhân ung thư buồng trứng có tỉ lệ tử vong cao với khoảng 60%.
Trong đó tỉ lệ sống sau 5 năm trung bình là 45%, tỉ lệ này ở giai đoạn 4 là dưới 17%. Ung thư buồng trứng dễ tái phát và nhanh chóng chuyển nặng.
Hầu hết các trường hợp ung thư buồng trứng được ghi nhận đều trên 30 tuổi, tuy nhiên cũng có trường hợp ngoài 20, cá biệt tại Trung Quốc từng ghi nhận bệnh nhân ung thư buồng trứng mới 15 tháng tuổi.
Ung thư buồng trứng khó phát hiện, dễ nhầm sang bệnh tiêu hoá và là ung thư phụ khoa có tỉ lệ tử vong cao nhất
Đến nay, nguyên nhân ung thư buồng trứng vẫn còn là vấn đề tranh cãi trong giới chuyên môn. Tuy nhiên, phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh (trên 50), phụ nữ mất khả năng sinh sản hoặc sinh con ở độ tuổi đã ngoài 30, lối sống thiếu lành mạnh, hút thuốc lá, ăn nhiều chất béo, lười vận động… là những yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới bệnh ung thư buồng trứng.
So với nhiều loại ung thư khác, ung thư buồng trứng khó nhất về phòng ngừa và phát hiện sớm do buồng trứng là cơ quan nằm sâu trong khung chậu nhỏ, khoảng 70% bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn. Tại TP.HCM, từng phẫu thuật cho trường hợp có khối ung thư buồng trứng nặng tới 30kg.
Giai đoạn đầu bệnh thường tiến triển âm thầm, dễ bị bỏ qua, dễ nhầm sang các bệnh đường tiêu hoá và thường chỉ thấy rõ ở giai đoạn tiến triển hay giai đoạn muộn.
Do đó phát hiện sớm ung thư buồng trứng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Điều trị ung thư giai đoạn này ít xâm lấn, tỉ lệ sống sau 5 năm lên tới 90%.
Bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ ở mọi lứa tuổi cần khám sàng lọc ung thư buồng trứng. Đặc biệt nhóm đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao như có mẹ, chị, em mắc ung thư buồng trứng, ung thư vú, mang gen đột biến di truyền như BRCA1, BRCA2…, nữ giới thừa cân, béo phì; nữ giới không sinh con hoặc sinh con đầu lòng muộn sau 35 tuổi, sử dụng thuốc tránh thai nhiều năm... cần tầm soát định kỳ hơn.
Phụ nữ có thẻ xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư CA 125, siêu âm bụng, siêu âm tử cung qua đường âm đạo...
3 kiểu đau cần nghĩ tới ung thư buồng trứng
Có nhiều biểu hiện khác nhau song nếu có 3 kiểu đau đặc trưng dưới đây cần nghĩ tới ung thư buồng trứng.
- Đau lưng: Nếu không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, do bê vác nặng hay chấn thương, đau lưng không rõ nguyên nhân cần cảnh giác.
Ở giai đoạn sớm, đau lưng có thể chỉ thoáng qua nhưng đến giai đoạn ung thư buồng trứng muộn, người bệnh sẽ cảm thấy đau dữ dội, đau ảnh hưởng đến cả giấc ngủ.
- Đau bụng dưới hay vùng chậu: Các bác sĩ cảnh báo, nữ giới độ tuổi sinh sản, đặc biệt là sau mãn kinh nếu thấy đau bụng dưới thường xuyên có thể ung thư buồng trứng đã phát triển kích cỡ lớn.
Nguyên nhân của cơn đau này là do khối u phát triển tác động đến các cơ quan, bộ phận khác xung quanh vùng có khối u, đặc biệt là vùng bụng, xương chậu gây nên những cơn đau.
- Đau khi quan hệ tình dục: Nhiều phụ nữ mắc ung thư buồng trứng giai đoạn tiến triển thường bị đau khi quan hệ tình dục. Cơn đau đó thường xuất hiện ở bên phải hoặc bên trái khung xương chậu.
Ngoài đau, ung thư buồng trứng cũng gây ra một số biểu hiện khác như đầy hơi, chướng bụng, táo bón, đi tiểu thường xuyên, sút cân không rõ nguyên nhân.
Điều trị ung thư buồng trứng
Ngoài các phương pháp điều trị ung thư buồng trứng phổ biến hiện nay như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, bác sĩ có thể áp dụng liệu pháp kháng sinh mạch trong chỉ định kết hợp với hoá chất. Hiện liệu pháp này đang được sử dụng phổ biến trên thế giới.
- Phẫu thuật: Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, cổ tử cung. Phẫu thuật ung thư giai đoạn này có thể giảm khối lượng u. Ở giai đoạn muộn, phẫu thuật không tận gốc vẫn là cần thiết giúp tiên lượng tốt hơn.
- Xạ trị: Là liệu pháp bổ trợ sau phẫu thuật hoặc áp dụng cho các bệnh nhân không đáp ứng với điều trị hoá chất.
Xạ trị cho bệnh nhân ung thư buồng trứng có thể là xạ trị tại chỗ hoặc chiếu xạ ngoài toàn ổ bụng và khung chậu nhằm làm chậm sự phát triển khối u, tiêu diệt một phần tế bào ung thư.
- Hóa trị: Đây là phương pháp phổ biến trong điều trị ung thư buồng trứng, dùng thuốc điều trị toàn thân để tiêu diệt tế bào ung thư.