SỨC KHỎE » Chăm sóc sức khỏe

Bé gái 14 tuổi tử vong vì điện thoại: Cảnh báo thói quen nguy hiểm nhiều người đang mắc phải

Thứ tư, 27/03/2019 14:42

Thói quen sử dụng “vật bất ly thân” này trong lúc tắm hay khi đi vệ sinh tiềm ẩn rất nhiều nguy hại cho sức khỏe, thậm chí có thể gây tử vong cho người dùng.

Tử vong vì dùng điện thoại đang sạc khi tắm

Mới đây, theo báo giới nước Nga, một bé gái 14 tuổi sống tại thành phố Cheboksary của nước này đã tử vong khi đang trong bồn tắm. Theo lời kể của người nhà nạn nhân, khi phát hiện sự việc, mọi người thấy thi thể cô bé bị chìm trong bồn tắm, bên cạnh là một chiếc điện thoại đang được cắm sạc cũng chìm dưới nước.

Sau khi khám nghiệm hiện trường, các nhà chức trách cho biết, nguyên nhân tử vong được xác định là do bé bị đuối nước. Có thể cô bé vừa cắm sạc vừa sử dụng điện thoại trong lúc tắm trong bồn và đã đã vô tình làm rơi điện thoại vào nước khiến em bị giật bất tỉnh, sau đó chìm xuống bồn tử vong.

Trước đó, cũng tại nước này, hành động vừa tắm vừa nghe nhạc từ điện thoại đang sạc cũng đã cướp đi sinh mạng của một bé gái khác 12 tuổi. Dù đã được các chuyên gia cảnh báo về sự nguy hiểm của việc vừa sạc vừa dùng điện thoại, nhất là khi đang tắm nhưng những tai nạn đau lòng vẫn diễn ra.

Theo các chuyên gia, nước là một chất dẫn điện tốt, vì thế, chỉ cần sơ suất làm rơi điện thoại đang sạc vào nước, lập tức tai họa có thể xảy ra. Theo lời các kỹ sư điện tại Nga, hành động thư giãn trong bồn tắm với chiếc điện đang cắm sạc giống như chúng ta đang “đùa giỡn” với tử thần.

Liệt nửa người vì xem điện thoại quá lâu trong nhà vệ sinh

Ngoài việc gây ra những cái chết thương tâm cho nạn nhân, việc sử dụng điện thoại trong nhà tắm cũng tiềm ẩn nhiều hậu quả khôn lường khác. Chẳng hạn, vào năm 2018, vụ việc một chàng trai 24 tuổi sống tại Trung Quốc đã bị bất tỉnh ngã trong nhà vệ sinh dù trước đó, anh này hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường.

Dùng điện thoại trong nhà tắm tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho người dùng. Ảnh minh họa

Sau khi tìm hiểu rõ sự việc được biết, thanh niên này đã dùng điện thoại suốt hơn nửa tiếng đồng hồ trong lúc đi vệ sinh, sau đó, bất ngờ rơi vào trạng thái bất tỉnh. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng người này vẫn bị liệt nửa người

Theo phân tích từ các bác sĩ, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nạn nhân đã duy trì một tư thế ngồi trong thời gian quá lâu, làm hạn chế tuần hoàn máu trong cơ thể, cộng với việc nhà tắm đóng kín, gây thiếu hụt oxy trong não đột biến, nên dẫn đến hiện tượng đột quỵ và bại liệt.

Ngoài việc gây bất tỉnh, liệt, các chuyên gia cảnh báo, mải mê xem điện thoại lúc đi vệ sinh sẽ làm kéo dài thời gian, rất dễ gây ra xung huyết hậu môn, bị tắc nghẽn tĩnh mạch trực tràng và gây ra bệnh trĩ. Bên cạnh đó, việc ngồi quá lâu sẽ làm mất tính nhạy cảm vốn có của trực tràng đối với việc kích thích đại tiện, gây ra tình trạng táo bón và nhiều vấn đề khác…

Dễ nhiễm khuẩn, mắc các bệnh lý đường ruột

Hiện nay, việc sử dụng điện thoại trong khi tắm và đi vệ sinh ngày càng trở nên phổ biến. Theo đó, một số nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra rằng, có khoảng 75% người có thói quen mang điện thoại vào nhà vệ sinh. Tuy nhiên, đáng chú ý, 74% trong số đó bị mắc các bệnh lý về hệ tiêu hóa và đường ruột, 1% bị chấn thương do một vài tình huống đặc biệt xảy ra.

Nguyên nhân chủ yếu là do trong nhà vệ sinh chứa một “ổ” vi khuẩn gây bệnh. Do đó, khi sử dụng điện thoại, nhất là khi đi vệ sinh, chúng ta phải đối mặt với nguy cơ bị nhiễm hàng loạt các vi khuẩn có hại như: Salmonella, E.coli. Trong đó, E.coli có thể gây tiêu chảy ra máu, nhiễm trùng máu, suy thận, nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm màng não mủ, viêm phổi, nặng có thể dẫn tới tử vong.

Còn Salmonella có thể gây tiêu chảy, viêm đường ruột, thương hàn, trong trường hợp khuẩn Salmonella lan từ ruột vào máu và các cơ quan khác thì có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ rước bệnh vào người, các chuyên gia khuyến cáo, nên hạn chế tối đa việc sử dụng điện thoại di động trong khi tắm và lúc đi vệ sinh. Trong trường hợp buộc phải dùng, cần tránh đặt điện thoại lên bồn cầu hoặc những bề mặt là nơi dễ trú ngụ của vi khuẩn.

Sau khi đi vệ sinh, cần rửa tay sạch sẽ và dùng giấy lau sạch chiếc điện thoại để đảm bảo vi khuẩn không bám vào điện thoại để gây hại cho người dùng.

Theo Giadinh.net.vn
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới