Bệnh viêm xoang gặp ở mọi lứa tuổi
Bác Tiến 50 tuổi (Hậu Lộc –Thanh Hóa) có thâm niên bị viêm xoang 15 năm nay, riêng gia đình bác cũng có 2 người con bị viêm xoang mãn tính. Bác đã đi khám nhiều lần nơi, kể cả uống thuốc đông – tây y kết hợp nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Hễ cứ đến mùa lạnh hoặc thời tiết ẩm ướt thất thường là bệnh của bác trở nên nặng hơn. Biểu hiện mà bác Tiến thường gặp nhất là mũi khô, có dịch nhày xuống cổ họng gây khó chịu nên thường xuyên phải khạc nhổ. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến bác cảm thấy vô cùng bất tiện mỗi đi ra ngoài hay giao tiếp với ai đó.
Theo bác sĩ Đặng Đình Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Chương Mỹ (Hà Nội), bệnh viêm xoang có thể do nhiều nguyên nhân như bị tắc lỗ thông xoang, do viêm mũi hoặc lỗ thông nhỏ, chất dịch thoát ra không kịp làm cho lỗ thông phù và càng nhỏ thêm, hệ thống lông chuyển ở mũi kém hoạt động, tuyến nhầy của niêm mạc xoang hoạt động quá nhiều hoặc do suy giảm miễn dịch, suy yếu niêm mạc đường hô hấp, rối loại hệ thần kinh thực vật.
Để điều trị viêm xoang, bệnh nhân cần tuân thủ đúng liều thuốc, thời gian điều trị và lời khuyên của bác sĩ. Người bệnh nên khám bệnh ở các cơ sở chuyên khoa, nếu tự ý dùng thuốc có thể gây nhờn thuốc hoặc gặp các tác dụng ngoại ý của thuốc gây hại đến sức khỏe.
Khi bị sổ mũi, nghẹt mũi, đau đầu, đàm xuống họng... người bệnh có thể dùng thuốc kháng sinh, kháng Histamine, giảm đau giảm xung huyết (như đối với Decolgen, Actifed... người cao huyết áp phải thật cẩn thận khi dùng), có thể dùng thêm thuốc xịt mũi, xông mũi tại nhà theo chỉ định của bác sĩ.
Như chị Nga, 52 tuổi, một cán bộ ngân hàng (huyện Ba Vì – Hà nội) tâm sự thì con gái chị bị viêm xoang mạn tính từ 15 tuổi khi cháu học cấp 2. Cứ mỗi lần thay đổi thời tiết là cháu đau, nhức đầu, nước mũi chảy liên tục rất khó thở. Ngoài ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thì căn bệnh này còn gây cho cháu rất nhiều bất tiện trong sinh hoạt và học tập. Trước đây do chủ quan nên vợ chồng tôi không cho con đi chữa dứt điểm ngày. Bây giờ, bệnh thành mãn tính, thương con, vợ chồng tôi cứ nghe nói có thầy thuốc nào, bài thuốc nào chữa bệnh cho con dù xa xôi mấy cũng lặn lội đến cả, có đợt vào cả trong Nam. Suốt nhiều năm đưa con đi điều trị ở khắp các bệnh viện nhưng bệnh vẫn không khỏi hẳn.
Viêm xoang cấp tính lẫn mạn tính đều có thể nhẹ hoặc trở nặng, tùy theo diễn biến của bệnh. Trong trường hợp nhẹ, chỉ cần uống thuốc kháng viêm, kháng dị ứng, kèm theo dùng thuốc xịt mũi để làm loãng chất nhầy, trôi bợn dơ, giúp mũi thông thoáng. Nếu bị nặng (kéo dài, các triệu chứng diễn ra thường xuyên…) bệnh nhân cần đến khám chuyên khoa Tai-mũi-họng để được rửa xoang, hoặc nếu cần sẽ phẫu thuật nội soi để lấy mủ ra khi điều trị không hiệu quả, bác sĩ Hùng cho biết.
Nếu không điều trị đúng phương pháp và kịp thời bệnh viêm xoang mạn tính có thể đưa đến những biến chứng rất nghiệm trọng như viêm tắc nghẽn mô quanh vùng mặt, viêm tắc tĩnh mạch xung quanh (tĩnh mạch hang), có thể làm mù mắt…
Một số lưu ý trong phòng bệnh viêm xoang
Theo bác sĩ Hùng, viêm xoang mũi là một triệu chứng rất thường gặp trong đời sống sinh hoạt. Bệnh có 2 dạng là viêm xoang mũi cấp tính và viêm xoang mũi mãn tính. Dạng cấp tính có thể khỏi sau một thời gian điều trị còn dạng mãn tính người bệnh dường như là phải sống chung với bệnh. Mỗi dịp thời tiết thay đổi số ca bệnh viêm mũi tăng nhiều hơn so với trước. Tuy nhiên bệnh này có thể phòng được nếu người bệnhb biết một số nguyên tắc:
- Lưu ý tránh hít luồng khí lạnh, khô, không nên để mũi đối diện - trực tiếp với luồng gió hoặc máy lạnh, máy quạt khi nằm ngủ hoặc khi ngồi làm việc.
- Khi thời tiết thay đổi đột ngột từ quá nóng sang quá lạnh hoặc ngược lại đều có thể làm tổn thương niêm mạc mũi xoang dẫn đến hiệu ứng viêm xoang rất nhanh. Cần giữ ấm cơ thể khi đi ngoài trời lạnh, trời mưa, đặc biệt với những ai làm việc quá khuya hoặc dậy quá sớm vì đây là thời diểm dễ bị cảm và chuyển thành viêm mũi xoang.
- Khi ra ngoài cần có khẩu trang bao vệ mũi tránh những ô nhiễm bụi bặm của môi trường, khói thuốc lá và khói bụi, các chất hóa học đều là những yếu tố kích thích có hại cho những chức năng lông chuyển của mũi xoang. Khi đang bị viêm xoang tránh đi tắm ở các hồ bơi.
- Tránh streess khi làm việc quá sức, lo lắng nhiều, hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu rất dễ bị nhiễm trùng trong đó mũi xoang dễ bị nhất là cơ quan lọc không khí trước khi đưa vào cơ thể và không nên uống rượu, bia quá nhiều, vì nó làm cho niêm mạc mũi xoang phù nề do vậy rất dễ đưa đến viêm xoang.
- Những người bị viêm xoang thường hay ngứa mũi, muốn hắt xì nhưng không làm được, một số người đã dùng tay ngoáy mũi, tuy đỡ khó chịu hơn nhưng dễ mang vi khuẩn vào và làm cho bệnh nặng thêm.
Để điều trị viêm xoang, ngoài việc dùng thuốc, trong một số trường hợp bác sĩ sẽ có chỉ định xông mũi, hút dịch tại nhà. Khi có triệu chứng của viêm xoang cần đi khám có phương pháp điều trị dứt điểm.