SỨC KHỎE » Chăm sóc sức khỏe

Cà phê và trà: Thức uống nào lành mạnh và tốt nhất cho sức khỏe?

Thứ tư, 25/10/2023 07:48

Trà và cà phê là thức uống quen thuộc đối với người Việt, đặc biệt vào buổi sáng.

Hàm lượng caffeine: Cà phê vô địch, gấp 2-3 lần trà đen

Caffeine là chất kích thích quen thuộc với nhiều người, giúp người uống tỉnh táo, xua tan sự uể oải khi mới ngủ dậy vào buổi sáng hoặc buổi chiều lười biếng.

Không chỉ có tác dụng trong việc hỗ trợ tinh thần tỉnh táo, caffeine còn góp phần lớn trong việc ngăn ngừa nhiều bệnh tật. Một nghiên cứu năm 2015 cho biết, những người tiêu thụ một lượng caffeine vừa phải có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 thấp hơn, đồng thời ít có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, bệnh thoái hóa thần kinh.

Caffeine có nhiều trong cà phê hơn trà. Theo Tiến sĩ Christopher Gardner - Giám đốc Nghiên cứu Dinh dưỡng tại Trung tâm Nghiên cứu Phòng ngừa Stanford, một tách cà phê thường chứa 80 - 100mg caffeine, trong khi đó, một tách trà chỉ chứa từ 30-50mg caffeine. Bác sĩ y khoa Matthew Chow - trợ lý giáo sư lâm sàng về thần kinh học tại Đại học California Davis cũng khẳng định, cà phê có lượng caffein gấp 2-3 lần so với loại trà đen với cùng 1 trọng lượng.

Hàm lượng caffeine trong cà phê cao hơn trà.

Tuy nhiên, nếu tiêu thụ quá nhiều caffeine, bạn có thể gặp các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, mất ngủ, lo lắng, nhịp tim tăng cao, thậm chí là co giật, động kinh. Theo FDA, lượng cà phê tối đa mỗi người nên dung nạp mỗi ngày chỉ nên vào khoảng 3 tách cà phê, tương đương tối đa 300mg caffeine.

Năng lượng giúp tỉnh táo: Trà “trên cơ” cà phê

Cà phê chứa nhiều caffeine hơn trà nhưng trà lại là thức uống giúp tăng cường sự chú ý bền vững hơn cà phê. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong trà có chứa L-theanine, một axit amin giúp tăng cường sự tỉnh táo và mang lại nguồn năng lượng êm dịu hơn cà phê. Ngoài ra, L-theanine cũng giúp làm chậm quá trình hấp thụ caffeine trong máu. Do đó, khi uống trà, bạn sẽ có ít cảm giác bồn chồn, lo lắng hơn. Sự kết hợp giữa L-theanine và lượng caffeine vừa phải trong trà giúp tỉnh táo bền vững hơn, dễ chịu hơn so với nguồn năng lượng cà phê mang lại.

Theo các nhà nghiên cứu, trà xanh và trà đen đều chứa nhiều L-theanine. Tuy nhiên, hàm lượng axit amin này trong trà xanh nhiều hơn một chút.

Chất chống oxy hóa: Một 9 một 10

Các chất chống oxy hóa là các hợp chất giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của các gốc tự do, có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của một số bệnh mãn tính.

Các chuyên gia chỉ ra rằng trà đen và trà xanh có các thành phần theaflavins, thearubigin và catechin có đặc tính chống viêm mạnh mẽ. Riêng theaflavins và thearubigin có thể ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư phổi và ruột kết.

Trong khi đó, cà phê rất giàu axit chlorogenic và flavonoid. Một số nghiên cứu thí nghiệm khẳng định, các thành phần của cà phê có thể ức chế mạnh sự phát triển của tế bào ung thư, giúp chống lại ung thư gan và đường ruột. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra cả cà phê và trà đều có thể giúp cơ thể chống lại các loại ung thư khác như ung thư vú, ruột kết, bàng quang và trực tràng, đồng thời giảm tỷ lệ bệnh tim mạch.

Một nghiên cứu năm 2013 cho biết, trong số các loại thức uống, cà phê chứa nhiều chất chống oxy hóa nhất, đứng trên trà, sô cô la nóng và rượu vang đỏ.

Vậy, trà hay cà phê lành mạnh hơn?

Rất khó để trả lời câu hỏi trà hay cà phê, thức uống nào lành mạnh hơn. Thực tế, cả hai đều có lợi ích cho sức khỏe. Cà phê là thức uống đậm vị, đứng đầu về hàm lượng caffeine và chất oxy hóa. Tuy nhiên, trà lại chiếm được cảm tình nhiều hơn khi có thể giúp tinh thần thoải mái mà lại ít tác dụng phụ hơn, đồng thời có hương vị tinh tế và đa dạng nhiều chủng loại hơn. Do đó, việc đưa ra lựa chọn thức uống nào “tốt nhất” phụ thuộc vào sở thích hương vị, lối sống và mục đích cải thiện sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, không nên uống trà hay cà phê quá nhiều mỗi ngày để tránh gây hại cho sức khỏe.

Thùy Dương (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới