Vào dịp Tết trên bàn mọi gia đình thường bày các loại bánh mứt kẹo và các loại hạt: hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, hạt dẻ cười, hạt điều, mứt hạt sen… Các loại hạt này lâu nay được xem là những món ăn chơi vui miệng. Nhưng thực ra chúng đã góp phần dinh dưỡng quan trọng đối với sức khoẻ để phòng chữa nhiều bệnh do chúng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng quý.
Hạt bí đỏ
Theo Đông y hạt bí đỏ (ngô, rợ…) vị ngọt, tính bình không độc. Công năng hòa trung, ích khí, sát trùng đường ruột. Phòng chữa thiếu sữa sau sinh; Phụ nữ sau sinh bị phù nề tay chân, tiểu đường; Chữa ho gà (bách nhật - 9 tháng 10 ngày); Chữa giun sán đường ruột.
Theo Y dược học hiện đại: Hạt bí đỏ còn có công dụng an thần hạ huyết áp, hạ mỡ máu và đường huyết, chống viêm sưng tuyến tiền liệt, viêm đường tiết niệu, chữa nhược dương suy giảm tình dục. Có tài liệu nói hạt bí do có chứa argynin kích thích cơ thể sản sinh NO nội sinh nên có tác dụng tráng dương.
Hạt hướng dương
Giá trị dinh dưỡng của hạt hướng dương tương đối cao. Đặc biệt hàm lượng vitamin E, kali trong hạt hướng dương còn cao hơn cả chuối tiêu.
Thành phần axit linoleic trong hạt hướng dương có tác dụng chống hình thành huyết khối. Có lẽ do ức chế sự bám dính tiểu cầu.
Ăn hạt hướng dương có lợi chống lão hoá bệnh tim mạch, huyết áp cao, ung thư, thiếu máu. Hạt hướng dương điều tiết trao đổi chất của tế bào não, cải thiện chức năng tế bào não, chống đần độn già lão. Chiều tối ăn hạt hướng dương sẽ thúc đẩy tiết dịch tiêu hoá, chống ứ trệ, làm an thần, trấn tĩnh dễ ngủ, chữa thần kinh suy nhược. Ngày ăn một nắm hạt hướng dương có thể thoả mãn nhu cầu vitamin E cần thiết.
Theo Đông y hạt hướng dương vị ngọt, tính bình, không độc. Có tác dụng tư âm, bổ hư, ninh tâm, an thần, chỉ lỵ, thấu chẩn. Dùng chữa chứng tinh thần uất ức, thần kinh suy nhược, chán ăn, đau đầu do cơ thể suy nhược, đi lỵ ra máu, sởi không mọc được.
Hạt dưa
Hạt dưa hấu cũng có hàm lượng kali rất cao nên có giá trị dinh dưỡng và phòng chữa bệnh tim mạch, tăng huyết áp.
Trong dân gian có kinh nghiệm chữa đau lưng bằng cách ngâm rượu hạt dưa hấu (bỏ vỏ) độ 10 ngày, sau đó đem phơi khô tán bột để uống ngày 2-3 lần, mỗi lần khoảng 12g.
Chữa lỵ - Hạt dưa hấu bỏ vỏ phơi khô tán bột uống mỗi lần 12-16g. Ngày 2 lần.
Hạt dẻ cười
Tên khoa học là Pistacia L. họ Đào lộn hột. Theo Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ, nó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch (ăn khoảng 40g/ngày). Theo kết quả nghiên cứu của Trường ĐH Pennylvania (Mỹ) hạt dẻ cười làm giảm cholesterol xấu và tăng các chất chống ôxy hoá.
Hạt điều
Về mặt dinh dưỡng nó rất phong phú. Các vi lượng có tác dụng chống ôxy hoá, lão hoá, chữa ung thư, bệnh tim mạch… Do chứa nhiều axit béo không bão hoà nên hạt điều là món ăn trong ẩm thực trị liệu của chứng mỡ máu cao xơ vữa động mạch, phòng nghẽn mạch tim gây đột quỵ… Hạt điều có thể giúp tóc, móng mọc khoẻ.
Vitamin B1 hạt điều chỉ kém vừng và lạc nên được dùng trong các trường hợp mệt mỏi. Vitamin A có nhiều trong hạt điều, là một chất chống ôxy hoá điển hình, làm cho da tóc nhu nhuận hồng đào. Đối với phụ nữ hạt điều giúp thúc sữa có nhiều để nuôi con bằng sữa mẹ. Do có nhiều kẽm, hạt điều nâng cao tình dục và hợp thành hormon tính dục nam, tránh phì đại tiền liệt tuyến. Hạt điều giúp hấp thu tốt chất dinh dưỡng ở bộ máy tiêu hoá và phát triển cơ thể của trẻ em và người già…
Hạt điều có 35-46% dầu; 5,25% protein; nhiều Vitamin B1, B2, B3 giàu vitamin C gấp 5 lần cam quýt, giàu kali.
Theo Đông y hạt điều bổ tỳ vị, hoạt trường. Dầu hạt điều dùng làm thức ăn, nhuận tràng, chỉ tả, xoa chống viêm lở, chữa tiêu chảy, lỵ, làm món ăn bổ dưỡng.
Hạt sen (mứt hạt sen trần)
Hạt sen được dùng trong các loại ẩm thực truyền thống và được xem là một vị thuốc quan trọng của Đông y (liên nhục) đặc biệt trong điều trị các chứng bệnh thuộc tâm, tỳ, thận. Chữa suy nhược thần kinh và thể lực, bệnh lý tình dục (di, hoạt tinh) chữa đi ngoài phân lỏng, đái đục, khí hư ra nhiều. Sau Tết nếu bảo quản không tốt bị chảy nước thì tận dụng nấu chè sen để ăn vào buổi tối cho dễ ngủ…