Hiện nay, bệnh thiếu máu thiếu sắt đang là một trong những bệnh thiếu vi chất khá phổ biến ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, cứ 2 phụ nữ có thai thì có 1 thiếu máu.
Tại sao phụ nữ có thai dễ bị thiếu máu thiếu sắt
Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ tuổi sinh đẻ tại Việt Nam là 26,5% và 75% thiếu sắt ở phụ nữ có thai là do thiếu máu; thiếu sắt xảy ra ở 66,1% phụ nữ có thai vào quý 3 của thai kỳ. Khi có thai cần chất sắt nhiều hơn để cung cấp cho thai nhi, nhau thai và tăng khối lượng máu của người mẹ. Nếu lượng sắt ăn vào không đủ sẽ dẫn đến thiếu máu thiếu sắt. Ngoài ra, nhiễm ký sinh trùng, nhất là nhiễm giun móc làm cho cơ thể mất sắt cũng gây nên thiếu máu.
Làm thế nào để phát hiện thiếu máu ở phụ nữ có thai?
Nhu cầu sắt hằng ngày tăng ở phụ nữ có thai, trẻ em đang lớn, người đang nhiễm khuẩn. Cụ thể: nhu cầu em gái tuổi dậy thì là 15mg/ngày, phụ nữ 19 - 49 tuổi cần 18mg/ngày, khi có thai là 27mg/ngày trong khi đó nam giới chỉ cần 8mg/ngày. Thiếu máu thiếu sắt khi xét nghiệm máu thấy hemoglobin (Hb) dưới 10,5g/dl; serum ferritin dưới 30g/dl; độ bão hòa transferrin dưới 20%. Trong thời kỳ mang thai, nhu cầu các chất dinh dưỡng tăng cao nhằm đáp ứng cho sự phát triển của bào thai, nhau thai và tăng khối lượng hồng cầu ở mẹ.
Các biểu hiện khi bị thiếu máu (thiếu máu nhẹ) là mệt mỏi, làm việc khó tập trung, đôi khi hoa mắt chóng mặt. Nặng hơn là nhức đầu, khó thở khi gắng sức, năng suất lao động giảm, da xanh, niêm mạc nhợt... Nếu thấy biểu hiện trên thì chị em cần đi khám, xét nghiệm máu để được chẩn đoán xác định và có hướng can thiệp kịp thời.
Phòng chống thiếu máu thiếu sắt
Trước hết cần uống bổ sung ngay viên sắt/acid folic, liều lượng 1 viên/ngày từ khi bắt đầu có thai cho tới sau đẻ 1 tháng. Thiếu máu là giai đoạn cuối của thiếu sắt kéo dài. Vì vậy khi có thai, ngay cả trong trường hợp bà mẹ cảm thấy sức khỏe bình thường không có nghĩa là không bị thiếu sắt. Hơn nữa, kể cả khi không bị thiếu sắt, đối với phụ nữ có thai, việc uống bổ sung viên sắt là điều cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu sắt ngày càng cao của cơ thể mẹ và con, phòng chống thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt.
Trước kia, khi dùng viên sắt bổ sung cho phụ nữ có thai hay gặp các tác dụng phụ như táo bón, buồn nôn, tiêu chảy... nhưng nay nhờ các nghiên cứu dược phẩm lâm sàng đã cho ra đời các sản phẩm chứa sắt dùng đường uống và truyền tĩnh mạch để điều trị cho thai phụ bị thiếu máu thiếu sắt. Vì vậy, nếu cơ thể không hấp thu được sắt khi dùng đường uống thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định dùng đường tĩnh mạch.
Bên cạnh đó, cần cải thiện bữa ăn, tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu sắt lấy từ các thức ăn động vật: thịt (nhất là thịt nạc), thủy, hải sản, trứng, phủ tạng động vật (tim, gan, bầu dục, tiết) hay từ các nguồn thức ăn thực vật: đậu đỗ, vừng, lạc,... và các thức ăn giàu vitamin C như rau lá xanh thẫm (rau dền, rau ngót, rau muống)..., quả chín giàu vitamin C như cam, quýt, nho, dưa hấu,... vì vitamin C giúp tăng cường hấp thu sắt.
Lời khuyên của thầy thuốc
Trong điều kiện nước ta, phụ nữ mang thai dù ăn uống đầy đủ vẫn phải uống viên sắt để phòng chống bệnh thiếu máu. Như trên đã nói, nhu cầu hằng ngày của phụ nữ mang thai là 27mg (gấp hơn 3 lần so với nam giới) trong khi đó cơ thể chỉ hấp thu 10 - 15% lượng sắt trong thức ăn hằng ngày. Đó là điều không thể đáp ứng được ngay cả với bữa ăn tương đối đầy đủ. Hơn nữa các em gái tuổi dậy thì, phụ nữ rong kinh, phụ nữ bị bệnh đường tiêu hóa (viêm loét dạ dày - tá tràng), nhiễm ký sinh trùng nhất là giun móc cần phải bổ sung sắt để phòng thiếu máu.
Hậu quả khi mang thai bị thiếu máu thiếu sắt Thiếu máu làm giảm khả năng chịu đựng mất máu trong lúc sinh; thiếu máu nặng làm tăng nguy cơ suy tim; thiếu máu tiền sản làm sinh non, trẻ thiếu cân và bé so với tuổi thai; thiếu sắt có tác động xấu trên khả năng nhận thức từ nhỏ đến tuổi thiếu niên. |