SỨC KHỎE » Chăm sóc sức khỏe

Căn bệnh Hà Đức Chinh mắc nguy hiểm thế nào mà có thể ảnh hưởng đến tính mạng?

Thứ ba, 17/03/2020 17:47

Hà Đức Chinh hiện đang phải điều trị căn bệnh viêm gan siêu vi B. Hiện tại, nếu cố gắng ra sân thi đấu, tiền đạo này có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng.

Theo như HLV Lê Huỳnh Đức chia sẻ: “Đức Chinh đang điều trị bệnh viêm gan B. Bây giờ men gan cậu ấy cao ngất, tôi cũng không ngờ men gan của Đức Chinh lại cao đến như vậy. Bác sĩ cho biết, nếu Đức Chinh tập luyện hay thi đấu ở thời điểm này sẽ ảnh hưởng đến tính mạng cậu ấy. Vì thế, Đức Chinh được nghỉ ngơi để điều trị bệnh”.

Vậy căn bệnh viêm gan siêu vi B nguy hiểm thế nào mà có thể ảnh hưởng đến tính mạng của Hà Đức Chinh?

Hà Đức Chinh mắc viêm gan siêu vi B

Viêm gan siêu vi B là bệnh gây phản ứng viêm ở gan do nhiễm siêu vi viêm gan B. Theo thống kê ở Việt nam có chừng 8- 10 triệu người bị nhiễm viêm gan siêu vi B với tỉ lệ 8,8% ở phụ nữ và 12,3 % ở nam giới.

Nguyên nhân gây bệnh

Viêm gan có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau

- Do nhiễm trùng

- Do nhiễm ký sinh trùng

- Do lạm dụng rượu

- Do nhiễm các chất độc. ngộ độc thực phẩm, ngộ độc thuốc

- Do một số bệnh tự miễn

- Do nhiễm siêu vi trùng, tức virus, như các loại siêu vi A, B, C... Trong các loại này, siêu vi B và C được coi là nguy hiểm nhất, đường lây phức tạp, khó kiểm soát (lây qua đường truyền máu, tình dục, mẹ truyền cho con khi sinh), có khả năng dẫn tới viêm gan mạn, xơ gan hoặc ung thư gan.

Những triệu chứng của bệnh

Viêm gan B có triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh rất khó nhận biết. Thậm chí có rất nhiều người bị nhiễm viêm gan B mà không hề hay biết. Tuy nhiên, kể cả khi không có triệu chứng bệnh gì thì virut viêm gan B vẫn có thể gây tổn hại nặng nề đến gan sau một thời gian phát triển âm ỉ. Viêm gan siêu vi B có hai dạng:

Viêm gan siêu vi B cấp: Được định nghĩa khi các biểu hiện triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng và sự tồn tại của virut diễn ra và kết thúc trong vòng 6 tháng kể từ khi phơi nhiễm với virut. Một số trường hợp bệnh có thể dẫn đến viêm gan B mạn tính.

Viêm gan siêu vi B mạn: Các biểu hiện triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng và sự tồn tại của virut diễn ra và kéo dài trong 6 tháng hoặc lâu hơn thì được coi là mắc bệnh viêm gan B mạn tính. Lúc này virut không bị đào thải mà tiếp tục sống trong cơ thể bệnh nhân.

Triệu chứng của bệnh

Giai đoạn cấp tính: Bệnh nhân có thể biểu hiện các triệu chứng như: sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, đau vùng gan, nổi mề đay, phát ban, viêm khớp. Sau đó có thể diễn tiến đến vàng da, vàng mắt, gan to gây đau... nếu bệnh diễn tiến nặng có thể dẫn đến suy gan cấp với biểu hiện: rối loạn đông máu (xuất huyết da niêm mạc, xuất huyết tiêu hóa, hôn mê). Thông thường các triệu chứng sẽ giảm dần trong 1-2 tháng. Một số bệnh nhân có thể bị vàng da kéo dài nhưng không quá 6 tháng.

Giai đoạn mạn tính: Thường không có triệu chứng lâm sàng rõ rệt, bệnh nhân có thể có các biểu hiện: mệt mỏi, ăn uống kém, vàng da nhẹ... hoặc không biểu hiện triệu chứng. Nhưng sau nhiều năm bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng của xơ gan: phù chân, báng bụng, xuất huyết da niêm mạc bất thường... hoặc diễn tiến thành ung thư gan.

Làm gì khi nhiễm bệnh?

Khi phát hiện mình bị nhiễm siêu vi viêm gan B, trước tiên người bị nhiễm siêu vi cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để có chương trình theo dõi và điều trị lâu dài nhằm tránh diễn tiến xơ gan và ung thư gan. Cần lưu ý không phải tất cả các trường hợp nhiễm siêu vi viêm gan B đều cần thiết điều trị với thuốc kháng siêu vi. Việc điều trị cần được đánh giá kỹ lưỡng bởi bác sĩ chuyên khoa về mức độ sao chép của siêu vi, tình trạng tổn thương của tế bào gan, lứa tuổi.

Bên cạnh đó, thay đổi lối sống cũng giúp người bị nhiễm siêu vi kiểm soát được viêm gan B. Thay đổi lối sống bao gồm thay đổi ăn uống, sinh hoạt, bỏ các thói quen xấu. Chế độ ăn tốt nhất chỉ chứa vừa đủ chất dinh dưỡng và năng lượng thiết yếu. Không nên kiêng khem quá mức mà cần cân đối, đa dạng đủ chất đạm, hạn chế chất béo, giảm muối, uống nhiều nước. Tập thể dục tuy không thải trừ được siêu vi ra ngoài nhưng có tác dụng giúp người bị nhiễm siêu vi giữ cơ thể khỏe mạnh. Người bị nhiễm siêu vi có thể đi bộ, tập bơi, yoga hoặc dưỡng sinh nhưng không nên tập luyện quá sức vì có thể làm cho hệ miễn dịch của người bị nhiễm siêu vi yếu đi. Uống rượu khi đang bị viêm gan B sẽ làm bệnh nặng hơn, có thễ dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Hút thuốc lá là một thói quen có hại cần tránh.

Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân cần thận trọng khi điều trị với các thuốc và các loại thảo mộc vì một số các chất này được chuyển hóa tại gan, nếu sử dụng sẽ làm tăng gánh nặng cho gan. Cần lưu ý các thuốc kháng viêm không chứa steroid, acetaminophen và các thuốc từ thảo mộc có thể gây độc cho gan, vì vậy cần hỏi ý kiến của bác sĩ.

Siêu vi viêm gan B khó có thể loại bỏ hoàn toàn ở người bị viêm gan B mạn. Tuy vậy, mục đích điều trị bệnh là kiểm soát được siêu vi nhằm ngăn ngừa các biến chứng, phục hồi tổn thương gan, giảm nguy cơ diễn tiến xơ gan và ung thư gan.

Các phương pháp điều trị bệnh

Giai đoạn cấp tính: Giai đoạn này nếu triệu chứng nhẹ, không cần chữa trị, bệnh có thể tự khỏi. Và trong khoảng thời gian này, bạn nên tránh tiếp xúc thân mật với người khác, và nên có chế độ ăn cung cấp đủ calo, chất dinh dưỡng và nước cho cơ thể.

Ngoài ra, trong vòng 2 tuần từ khi bị nhiễm virut viêm gan B, cần phải tiêm huyết thanh kháng virut cho những người có quan hệ mật thiết với người bệnh.

Giai đoạn mạn tính: Mục đích điều trị giai đoạn này là làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về gan như xơ gan, ung thư gan và ngăn chặn khả năng lây lan cho người khác. Các phương pháp điều trị bao gồm:

Sử dụng thuốc kháng virut có thể giúp chống lại virut viêm gan B và làm chậm khả năng gây tổn thương cho gan của virut.

Interferon alfa-2b (Intron A): Loại thuốc này chủ yếu được sử dụng cho người trẻ tuổi không muốn trải qua quá trình điều trị lâu dài, hoặc phụ nữ muốn mang thai.

Ghép gan: Trường hợp gan đã bị hủy hoại quá nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phương pháp này để cắt bỏ phần gan bị hủy hoại và thay bằng gan khỏe mạnh của người hiến tặng.

Tránh lây nhiễm cho người khác

Virut viêm gan B có khả năng lây truyền cao.

Khi một người được phát hiện nhiễm siêu vi viêm gan B, nguy cơ lây nhiễm cho những người chung quanh, nhất là người thân cũng là mối quan tâm cần thiết. Trước hết những người thân như cha mẹ, anh em ruột, vợ chồng, con cái cần được xét nghiệm để tầm soát có bị nhiễm siêu vi viêm gan B không. Nếu chưa bị nhiễm, tốt nhất nên được chủng ngừa vắc xin. Người mang mầm bệnh cần có biện pháp đề phòng như không dùng chung các vật dụng cá nhân có nguy cơ lây nhiễm như: bàn chải đánh răng, dao cạo râu, dụng cụ cắt móng tay...; tránh làm vây máu khi bị vết thương, hay lau sạch máu bằng thuốc sát trùng. Nên sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục.

Phụ nữ mang thai có nhiễm siêu vi viêm gan B với HBe dương tính có nguy cơ lây nhiễm cho trẻ khi sinh là 90%, vì vậy cần phải được xét nghiệm HBsAg khi có thai và nếu bà mẹ bị nhiễm cần được đến bác sĩ chuyên khoa tư vấn điều trị phòng ngừa lây nhiễm và chích ngừa cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.

Khi bị nhiễm siêu vi viêm gan B, bệnh nhân có thể sẽ mang tâm trạng lo lắng nhiều, thường bị áp lực về tâm lý. Vì vậy tốt nhất nên được gặp bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn kế hoạch theo dõi chọn lựa cách điều trị nào tốt nhất để bảo vệ gan.

MrBO (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới