SỨC KHỎE » Chăm sóc sức khỏe

Căn bệnh lupus ban đỏ cướp đi tính mạng của diễn viên Phương Trang ở tuổi 24 nguy hiểm cỡ nào?

Thứ sáu, 14/02/2020 10:21

Được biết, căn bệnh cố nghệ sĩ Phương Trang mắc phải hiện chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được nếu điều trị đúng cách.

Ngày 12/2, diễn viên Phương Trang trút hơi thở cuối cùng sau một thời gian chiến đấu với bệnh lupus ban đỏ. Thông tin Phương Trang qua đời khi mới chỉ 24 tuổi khiến nhiều bạn bè, đồng nghiệp bàng hoàng. Nói về căn bệnh của học trò, nghệ sĩ Hồng Vân kể: "Từ lúc sinh, em đã bị bệnh liên tục, phải uống thuốc. Nhưng em rất lạc quan, say mê nghệ thuật. Em tham gia dạy múa cho nhà thờ Tân Định, được các cha xứ và ca đoàn yêu thương".

Diễn viên Phương Trang qua đời khi mới 24 tuổi sau khoảng thời gian chống chọi với căn bệnh lupus ban đỏ.

Sau sự ra đi của diễn Phương Trang khiến nhiều người thương xót và tự hỏi: căn bệnh nữ diễn viên mang suốt thời gian qua nguy hiểm đến cỡ nào?

Được biết bệnh lupus ban đỏ được chia thành 2 thể chính là: lupus ban đỏ dạng đĩa và lupus ban đỏ hệ thống. Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh thường gặp trong các bệnh lý tự miễn. Nguyên nhân của bệnh lupus nói riêng và các bệnh lý tự miễn nói chung là do cơ thể có những sai lệch về đáp ứng miễn dịch, dẫn đến hệ miễn dịch chống lại chính những cơ quan trong cơ thể. Hiện chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh lupus ban đỏ nhưng có thể kiểm soát được nếu điều trị đúng cách ngay từ đầu. Bệnh nhân bị lupus ban đỏ, 90% là nữ giới. Lứa tuổi thường gặp là từ 15 đến 50 tuổi và bệnh chiếm tỷ lệ 50/100.000 dân.

Cơ chế gây bệnh lupus ban đỏ có thể hiểu đơn giản là: Vai trò của hệ miễn dịch là tạo hàng rào phòng thủ, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lạ (vi khuẩn, virus...). Tuy nhiên, trong cơ thể bệnh nhân mắc lupus ban đỏ hệ thống cũng như các bệnh lý có cơ chế tự miễn khác, hệ thống miễn dịch hoàn toàn mất đi khả năng phân biệt “lạ - quen”, tưởng nhầm chính mô của cơ thể cũng là vật lạ nên phản ứng tạo ra kháng thể chống lại các tế bào của hầu hết cơ quan.

Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên, một số bác sĩ dự đoán nguồn gốc của căn bệnh có thể do di truyền hoặc sự thay đổi nội tiết trongtrong độ tuổi sinh sản...

Biểu hiện dễ thấy nhất của bệnh này là trên da. Trong đó, hồng ban có dạng hình cánh bướm ở mặt là một dấu hiệu rất đặc trưng của lupus. Ngoài ra, thương tổn trên da còn gặp ở những vùng hở khác như cổ, bàn tay... Các tổn thương này nhìn chung rất nhạy cảm với ánh nắng. Nếu tiến triển lâu dài, sang thương có thể bị teo đi ở phần giữa, do đó, còn gọi là “Hồng ban dạng đĩa”. Một số thương tổn có thể quá sản phì đại. Bên cạnh đó, tổn thương da do lupus còn có dạng các bọng nước, dát xuất huyết. Niêm mạc trong miệng, vùng hầu họng dễ lở loét nhưng không đau. Tóc vàng, dễ gãy và rụng nhiều.

Biểu hiện của bệnh lupus ban đỏ trên da (Ảnh minh họa)

Tim bệnh nhân có thể biểu hiện đau ngực, khó thở giống viêm cơ tim, màng tim. Đôi khi bệnh đã diễn tiến nặng, gây suy tim. Triệu chứng của viêm phổi, màng phổi cũng hay gặp và có thể suy hô hấp. Viêm khớp là một biểu hiện rất hay gặp, làm cho bệnh nhân khó vận động và đi lại. Đa số người bệnh đều có thiếu máu từ mức độ nhẹ đến nặng với biểu hiện da xanh, niêm nhạt, môi tái, hạn chế khả năng gắng sức. Xét nghiệm huyết đồ thấy có thể giảm cả ba dòng tế bào máu: hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu....

Ngoài ra, thực tế trên lâm sàng, phần lớn các bệnh nhân đến khám vì các biểu hiện không đặc hiệu như sút cân, mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ âm ỉ, rụng tóc, viêm loét miệng kéo dài, đau các khớp nhỏ. Thậm chí nhiều trường hợp chỉ vì bị đau mỏi cơ, rối loạn kinh nguyệt.

Bệnh lupus ban đỏ diễn biến phức tạp, tiến triển thành từng đợt, đợt sau nặng hơn đợt trước và gây tổn thương gần như toàn bộ các cơ quan trong cơ thể như thận, hệ tạo máu, tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, hô hấp,... Trong trường hợp nặng, bệnh có thể cướp đi tính mạng bệnh nhân.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp các biến chứng do điều trị thuốc ức chế miễn dịch. Hệ thống miễn dịch không còn đảm bảo chức năng vốn dĩ của nó, cơ thể dễ mắc các tác nhân lây nhiễm mà không thể chống cự lại được. Tình trạng nhiễm trùng diễn tiến nhanh, dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, bệnh nhân dễ rơi vào sốc và tử vong.

Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới