Chế độ ăn "kiểu phương Tây" chứa nhiều thịt và các loại thực phẩm "tạo a-xít" khác có thể khiến lượng a-xít tăng lên mà không thể bù lại được bằng rau và hoa quả; điều này có thể gây ra tình trạng nhiễm toan chuyển hóa mạn tính và dẫn tới những biến chứng trong quá trình trao đổi chất.
Điều quan trọng nhất từ khía cạnh kiểm soát đường huyết là tình trạng nhiễm toan tăng lên có thể làm giảm khả năng gắn kết của insulin (hoóc-môn kiểm soát đường huyết) với các thụ thể thích hợp trong cơ thể, và giảm sự nhạy cảm với insulin.
Kết quả này rút ra từ nghiên cứu của Pháp với hơn 66.485 phụ nữ được theo dõi trong 14 năm. Trong thời gian này, đã phát hiện được 1.372 trường hợp mắc bệnh. Kết quả cho thấy những người có lượng a-xít thận cao nhất tăng 56% nguy cơ tiểu đường týp 2 so với những người có lượng thấp nhất. Lượng a-xít cao trong chế độ ăn đặc biệt ảnh hưởng tới nguy cơ ở những người có cân nặng bình thường. Phụ nữ có cân nặng bình thường (BMI 25 trở xuống) có nguy cơ tăng cao nhất (96%) trong khi phụ nữ thừa cân (BMI 25 trở lên) chỉ tăng nguy cơ 28%.
Nghiên cứu cũng cho thấy các a xít trong chế độ ăn có thể đóng vai trò đặc biệt trong thúc đẩy sự phát triển của bệnh tiểu đường týp 2, cho dù chế độ ăn đó gồm các thực phẩm và đồ uống cung cấp thành phần có tính a-xít hay kiềm.
Theo các tác giả, chế độ ăn giàu protein động vật sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hấp thu a-xít thực tế, trong khi phần lớn các loại hoa quả và rau lại tạo ra các chất kiềm trung hòa a-xít. Trái ngược với điều mà nhiều người lầm tưởng, các loại trái cây như đào, táo, lê, chuối và thậm chí cả chanh và cam khi được cơ thể xử lý lại thực sự làm giảm lượng a-xít trong chế độ ăn.