SỨC KHỎE » Chăm sóc sức khỏe

Chữa mẩn ngứa ngày hè bằng lá thuốc vườn nhà

Chủ nhật, 14/06/2015 14:06

Mùa hè, thời tiết nắng nóng khiến những nốt mẩn ngứa nổi đầy trên da. Không phải tìm đâu xa, ngay trong vườn nhà bạn cũng có rất nhiều vị thuốc chữa mẩn ngứa.

Những nốt mẩn ngứa nổi đầy trong ngày nắng nóng

Kinh giới

Kinh giới là loại rau gia vị không thể thiếu trong món rau sống. Trong Đông y, kinh giới là vị thuốc chữa phong, dị ứng, đặc biệt những trường hợp ngứa, lở, mề đay, phát ban, zona.

Theo kinh nghiệm dân gian, bạn có thể dùng cây kinh giới tươi để nấu nước uống và tắm hằng ngày để trị và phòng chống rôm sẩy, mẩn ngứa, mụn nhọt.

Sài đất

Sài đất là vị thuốc vị ngọt, hơi chua, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc... có tác dụng chữa rôm sảy rất hiệu quả. Bạn có thể vò nát rồi pha nước tắm. Nếu bị mẩn ngứa thì có thể dùng 100 - 200g sài đất nấu với 4 - 5 lít nước để tắm, đồng thời lấy bã xát kỹ lên vết mẩn. Thường chỉ dùng 1 - 2 lần là có kết quả.

Ở thành phố, khó tìm cây sài đất tươi, bạn có thể dùng cây khô đun nước tắm cũng rất hiệu quả.

Lá khế ngọt

Theo đông y, lá khế vị chát tính lạnh, có tác dụng tán nhiệt độc, lợi tiểu tiện, dùng chữa các chứng lở ngứa, ung nhọt do huyết nhiệt, có tác dụng sát trùng và chống ngứa rất tốt. Lá Khế ngọt là loại thuốc rất dễ kiếm vì vậy khi da bạn bắt đầu có dấu hiệu bị mẩn ngứa thì hãy nhanh tay đi hái 1 nắm lá khế tươi về rửa sạch, rang cho héo rồi lấy chà xát lên những vùng da bị ngứa, mề đay sẽ lặn dần. Thực hiện vài lần đến khi bạn dứt hẳn bệnh.

Ngoài ra, bạn cũng có thể đun nước lá khế để tắm hằng ngày chữa mẩn ngứa.

Đinh lăng

Đinh lăng là loại cây cảnh khá quen thuộc với nhiều gia đình. Cây đinh lăng không chỉ sử dụng làm rau sống mà còn là một vị thuốc có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, giải độc, chống dị ứng, …

Để trị chứng mẩn ngứa do thời tiết, bạn có thể dùng theo hai cách như sau: Dùng lá đinh lăng sao khô, bọc bằng một mảnh vải xát nhẹ vào chỗ dị ứng nhiều lần trong ngày cho đến khi khỏi hẳn hoặc dùng lá đinh lăng được phơi hoặc sao khô, sắc lấy 1 bát nước, uống ngày 2 lần, mỗi lần một bát, uống ban ngày để có hiệu quả tốt hơn.

Ngoài ra, để nâng cao sức khoẻ, tăng sức đề kháng cho cơ thể, nhất là trong thời điểm giao mùa, bạn có thể dùng lá đinh lăng ăn hằng ngày hoặc dùng sắc uống cả lá và rễ cây.

Cây Ngổ

Rau ngổ, còn gọi là rau om, ngò om, ngổ hương... thường được dùng làm rau sống hoặc nấu canh chua.

Theo Đông y, rau ngổ có vị cay, thơm, hơi chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc… Hằng ngày, bạn hãy dùng cả thân và lá, rửa sạch, giã nát đắp hoặc lấy nước cốt bôi lên chỗ ngứa để có hiệu quả nhanh nhất.

Cây Húng quế :

Húng quế là loại cây được rất nhiều gia đình trồng tại nhà. Húng quế có vị cay, tính ẩm, lá húng quế rất thơm và thường được sử dụng như là một gia vị trong nấu ăn.

Khi bị mẩn ngứa, lấy cành, lá bánh tẻ, kèm theo hoa và hạt càng tốt sắc nước uống hoặc giã lấy nước cốt uống, đồng thời lấy bã lá húng quế tươi, rửa sạch, vò nát rồi chà xát lên chỗ mẩn ngứa.

Cây Mướp đắng

Mướp đắng tính hàn, thường được chế biến thành những món ăn mát, bổ. Tuy nhiên, nếu bị mẩn ngứa, bạn cũng có thể dùng mướp đắng để chữa trị, rất hiệu quả đấy. Chỉ cần lấy chừng 1 – 2 quả mướp đắng tươi, đem giã nát rồi lọc lấy nước pha vào nước tắm. Lấy lá mướp đắng giã nát bôi xát vào vùng nổi mẩn. Làn da bạn sẽ nhanh chóng trở nên mát, mịn và các nốt mẩn ngứa cũng biến mất luôn.

Ngoài ra, bạn có thể thêm vào nước tắm mướp đắng vài lá kinh giới, rau má sẽ giúp giải độc thân nhiệt trị được rôm sảy rất hiệu quả, nhất là ở trẻ em.

Lá Ổi

Theo Dược học cổ truyền, lá Ổi vị đắng, tính ấm, có công dụng tiêu thũng, giải độc. Để trị rôm sảy, mẩn ngứa bạn hãy dùng một nắm lá ổi nấu nước tắm hàng ngày đến khi khỏi.

Rau Sam

Rau sam có vị chua, tính hàn, không có độc, có kháng sinh tự nhiên, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng. Trong rau sam có chứa các chất vi lượng quý như đồng, magie, mangan, kẽm, có khả năng thải trừ bisphenol A - một chất độc, nên rau sam có thể giúp cơ thể thanh lọc hiệu quả. Bạn dùng khoảng 30g rausam, rửa sạch, sau đó giã nát vắt lấy nước rồi pha vào nước tắm để trị rôm sảy, mẩn ngứa rất hiệu quả.

Tía tô

Tía tô tính ấm, vị cay, lá dùng làm gia vị rất phổ biến đồng thời là vị thuốc có rất nhiều công dụng.

Bạn hái lá tía tô tươi, đem rửa sạch sau đó giã nát để lấy nước cốt và chấm lên vùng rôm sảy, mẩn ngứa. Với cách này, những đốm rôm sảy, mẩn ngứa sẽ nhanh chóng lặn hết. Sau khi nước lá tía tô trên da khô đi thì tắm sạch bằng nước ấm để da luôn thoáng mát, sạch sẽ.

Bạn hãy nhớ, liên tục sử dụng lá tía tô 2-3 lần/ngày và điều trị liên tục trong 1 tuần.

Vân Dung (Theo Giadinhvietnam.com)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới