Chị Trịnh Thu Hà (đường Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình, Tp.HCM) thỉnh thoảng đang ngủ giữa đêm khuya lại bất chợt tỉnh dậy vì chân tự nhiên bị tê đâu sau đó là bị chuột rút hết chân này đến chân kia, giữa đêm hôm nhiều lần chị ôm châm mà ứa nước mắt vì đau, và mỗi đêm như thế sáng hôm sau dậy hai chân chị thường gân cốt tê cứng.
Hồi đầu khoảng 1 tháng chị Hà bị một lần, gần đây tuần nào chị cũng hành hạ, có tuần bị hai ba lần. Chồng chị nhiều khi đang ngủ cứ thi thoảng giật mình vì tiếng kêu đau cơn đau nhức nhối của vợ và anh phải ngồi dạy để xoa bóp giúp chị qua cơn đau.
Nghĩ chuột rút chỉ là biểu hiện bình thường nên hai vợ chồng chị Hà chủ quan mà chỉ nghe mọi người mách nước rồi tự khắc phục. Thế nhưng sau đó, những cơn chuột rút ngày càng nhiều, và đau nhức nhối khiến chị không thể chịu nổi. Cuối cùng chồng chị đưa đi khám mới biết do lâu nay chị Hà không ăn cá và nhiều thức ăn khác, nên cơ thể chị bị thiếu canxi và sắt trầm trọng nên ảnh hưởng tới cơ xương khớp.
Vì sao bạn bị chuột rút?
Không chỉ phụ nữ mang thai mới bị chuột rút, mà có rất nhiều người từng bị nhưng họ thường không quan tâm, vì thời gian xảy ra ngắn và họ cho rằng không nguy hiểm, là điều bình thường mà ai cũng có thể mắc phải. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chuột rút dấu hiệu một số bệnh hoặc thiếu một số chất.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ThS.BS. Mai Thị Minh Tâm (Phó trưởng Khoa Cơ-Xương-Khớp, Bệnh viện E Trung ương) cho biết: “Chứng chuột rút là co cơ ngoài ý muốn, co một phần của cơ hoặc toàn bộ của cơ. Chuột rút xảy ra đột ngột, rất mạnh và xảy ra ngắn trong vòng vài phút như cơn tetanie (cơn hạ canxi máu). Tuy nhiên, nó làm cho bệnh nhân đau dữ dội, không thể cử động được nữa. Chuột rút cũng thường đến sau các tư thế co chân (gấp cẳng chân), co tay (gấp cẳng tay) khi ngủ và cả khi cơ thể gắng sức”.
Bác sĩ Minh Tâm cho hay, chuột rút là biểu hiện của co cơ không chủ ý, ta có thể nhìn thấy và sờ thấy co một phần của cơ hoặc cả bó cơ, và thường xảy ra ở các nhóm cơ như co cơ bắp chân, ngón chân, cơ cạnh lưng, và cơ ngực…
Chuột rút có thể gây tử vong
Theo bác sĩ Minh Tâm: Chuột rút tự phát xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên hay gặp nhất là ở những người chơi thể thao và người già. Những yếu tố thuận lợi gây chuột rút thường gặp ở phụ nữ mang thai, những người mất nước và điện giải, mắc bệnh suy thận mạn, uống rượu, hút thuốc lá, hay do trời lạnh…
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chuột rút. Trong đó nguyên nhân chính được chia làm hai nhóm:
- Nhóm một, nhóm chuột rút tự phát và chuột rút do mắc các bệnh lý khác. Chuột rút tự phát thường xảy ra khi ban ngày phải lao động nặng nhọc, quá sức, mệt mỏi nên ban đêm khi ngủ sẽ bị chuột rút. Những người vận động cơ bắp nhiều, mạnh, hay chơi thể thao với cường độ cao khiến cơ thể cơ thể bị mất muối do đổ mồ hôi, do đó làm giảm nồng độ kali, magie, natri, canxi trong máu cũng dẫn đến chuột rút.
Ngoài ra, tình trạng vận động nhiều còn gây lắng đọng axit lactic trong bắp thịt, dẫn đến rối loạn dẫn truyền tín hiệu giữa dây thần kinh và cơ bắp, nên dù bộ não muốn cơ thư giãn sau khi cử động nhưng cơ vẫn tiếp tục co rút gây ra đau. Những người ngồi làm việc lâu, không thay đổi tư thế cũng thường bị chuột rút…
- Nhóm hai, do mắc phải các bệnh như đái tháo đường, Parkinson, thiếu máu, bệnh tuyến giáp, bệnh thận, rối loạn tuần hoàn, bệnh giãn tĩnh mạch… Hay phụ nữ mang thai hay bị chuột rút do thiếu canxi, phốt pho, magie, do sức nặng và độ lớn của tử cung chèn ép vào các mạch máu ở chân hoặc do các cơ ở chân phải mang sức nặng của cơ thể.
“Chuột rút khiến cơ bị co gây cảm giác đau đớn. Bình thường chuột rút tự phát không kéo dài và không gây nguy hiểm. Nhưng nếu chuột rút xảy ra khi đang lái xe, điều khiển máy móc, đang bơi dưới nước… thì có thể gây tai nạn, chết đuối và nguy cơ tử vong là có thể. Nếu thỉnh thoảng bạn mới bị chuột rút thì không đáng ngại. Nhưng nếu bạn thường xuyên bị chuột rút, hoặc bị chuột rút gây đau đớn, mất ngủ, cơ teo và yếu hoặc do mắc những bệnh lý khác thì cần đi khám bệnh, và làm xét nghiệm để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh gây ra chuột rút.” – bác sĩ Minh Tâm khuyến cáo.
Xử trí khi bị chuột rút
Bác sĩ Minh Tâm chỉ dẫn một số cách sau:
- Dừng vận động, cố gắng thả chùng chi bị bệnh để thư giãn bắp thịt đang bị co rút. Nhẹ nhàng xoa bóp bắp cơ, nếu có dầu nóng thì thoa dầu lên vùng da của bắp thịt đang bị co rút massage nhẹ nhàng.
- Xoa bóp, chườm lạnh bằng túi đá hoặc tắm nước ấm.
- Chuột rút cơ xương sườn: hít thở sâu để thư giãn cơ hoành đồng thời xoa bóp nhẹ các bắp thịt xung quanh lồng ngực. Sau đó uống nước trà đường nóng, nước cam, nước chanh…
Những cách điều trị chuột rút
Bạn cũng có thể điều trị bằng một số cách sau:
- Dùng thuốc để bổ sung các chất magie, canxi…
- Đi chân đất trên nền đất lạnh.
- Trước khi đi ngủ hãy thể dục chân, co duỗi lên xuống.
- Tắm nước lạnh, sau đó dùng nước nóng để tắm giúp thư giãn cơ.
- Khi đi ngủ, dùng gối hoặc đệm mỏng kê cao chân để giúp máu lưu thông…
Ngăn ngừa chuột rút
Chuột rút rất dễ xảy ra, tuy nhiên mỗi người đều có thể kiểm soát và ngăn ngừa chuột rút bằng cách:
- Uống đủ 1,5 lít nước/ ngày, tốt nhất là chọn nước khoáng giàu muối khoáng.
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, đủ chất, đặc biệt là ăn nhiều hoa quả và rau xanh để bổ sung kali, magie và canxi cho cơ thể.
- Hạn chế dùng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, trà, cà phê.
- Đối với những vận động viên thể thao cần thực hiện đầy đủ các động tác khởi động trước khi vào bài tập.
- Đặc biệt, với phụ nữ mang thai cần phải có chế độ ăn uống hợp lý, cân bằng các chất khoáng để tránh thiếu chất gây nên chuột rút và ảnh hưởng tới cả thai nhi.