Khế làm thực phẩm
Tên khoa học của khế là Averrhoa carambola L., thuộc họ chua me đất (Oxalidaceae), có nguồn gốc ở Malaysia, được trồng ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Khế được trồng khắp nước ta từ lâu và người ta đã tạo ra nhiều giống: khế chua, khế ngọt…
Ngoài khế múi, ở các tỉnh phía Nam nhân dân còn trồng khế dưa chuột (Averrhoa bilimbi L.) cũng gốc Malaysia. Cây cao hàng chục mét, trái hình trụ, dài 5 – 10cm, màu lục vàng và trong suốt, khi chín rất chua (hàm lượng axít oxalic là 6%) nên ít được ăn tươi. Người ta thường bảo quản dưới dạng xirô hoặc muối dưa, ngâm nước muối, nước mắm để ăn.
Khế múi ít chua, có hàm lượng axít oxalic 1%, khi chín là món ăn được nhiều người ưa thích. Người ta thường dùng khế ăn sống chấm mắm, nấu canh chua với tôm tép và cá. Trái chín có thể làm mứt và làm khế dầm.
Chọn khế ngọt, chín tới, còn tươi (1kg); trái to vừa, không bị sâu hay giập, rửa sạch, pha muối loãng (5%) ngâm khế khoảng 30 phút, vớt ra để ráo nước, bổ theo chiều dọc, tách riêng từng múi. Đổ khế vào chậu sứ hay thuỷ tinh, rắc đường (100g) và muối (5g), trộn đều, ướp khoảng một giờ là được. Trước khi dùng cho ớt khô (2g) đã xay thành bột vào trộn, khế dầm có vị cay ngọt dùng để ăn chơi, ăn tráng miệng. Có khi người ta còn cắt lát khế múi phơi khô, để dành lúc mưa bão thiếu rau nấu canh chua hoặc xào với thịt, tôm tép làm món ăn.
Khế làm thuốc
Khoa học hiện đại đã xác định trong thành phần của khế múi, có các chất theo g%: nước 92, protid 0,6, glucid 3,1; cellulose 2,6; và theo mg%: calcium 10; phosphor 8; sắt 0,9; caroten 160; vitamin B1 0,05; vitamin C 30.
Cả phương Đông lẫn phương Tây đều sớm biết công dụng y học của khế, và tên của người thầy thuốc và triết gia Arập Averrhoes (thế kỷ 12) đã được dùng để đặt tên cho cây khế. Averrhoes đã phát hiện khế là một dược liệu tốt, dùng trộn với hồ tiêu để làm toát mồ hôi, giã nhỏ rồi đắp lên người để làm tiêu tan sự rã rời, bải hoải; còn dùng chữa bệnh ngứa, kích thích hoạt động của mắt, chữa ho , sưng hạch tiết nước bọt, viêm họng, đau thấp khớp, phù thũng.
Hầu hết các bộ phận của cây khế đều được sử dụng làm thuốc: rễ có vị chua, chát, tính bình, được dùng làm thuốc sáp tinh, chỉ huyết, chỉ thống để trị di tinh, chảy máu mũi, đau đầu mạn tính, tê đau khớp xương…; cành lá có vị chua, chát tính mát được dùng làm thuốc khư phong lợi thấp, tiêu thũng chỉ thống, để trị cảm mạo do phong nhiệt, viêm dạ dày – ruột cấp tính, tiểu tiện bất lợi, sản hậu phù thũng, đòn ngã tê đau, mụn nhọt sưng lở…; hoa có vị ngọt, tính bình được dùng làm thuốc thanh nhiệt để trị nóng, lạnh đan xen nhau...; trái có vị chua ngọt, tính bình được dùng làm thuốc sinh tân chỉ khát, trị ho do phong nhiệt, đau họng, bệnh lỵ…
Khế thường được dùng trị cảm, sốt nóng, khát nước, giải độc, lợi tiểu. Chữa dị ứng do tiếp xúc với sơn, dùng trái khế cắt miếng xát hay dùng lá vò xát. Lá khế (có thể thêm vỏ cây khế) nấu nước, trong uống ngoài đắp rồi tắm chữa lở sơn, mẩn ngứa, mày đay.
Chữa ngộ độc: dùng nước khế ép uống thật nhiều. Chữa đái không thông: dùng bảy trái khế chua, cắt mỗi trái lấy một miếng ở 1/3 phía gần cuống, đổ vào một chén nước, sắc còn nửa chén, uống vào lúc còn nóng; lại lấy một trái khế và một củ tỏi cũng giã đều, đem đắp vào rốn.
Ăn khế bị ê răng, nhai một nắm lá khế là hết. Lá khế sao thơm sắc uống chữa sốt nóng, cảm nắng, đái ít. Với trẻ em lên sởi, dùng lá khế (và vỏ cây khế) sắc uống thúc sởi mọc đều, nấu nước tắm để tiệt nọc sởi sau khi bay hết. Nếu bị ho khan, ho đàm, thì lấy mấy chùm hoa khế tẩm rượu gừng sao thơm sắc uống.
Lưu ý, trong khế có hàm lượng axít oxalic cao nên những người bị bệnh thận cần tránh ăn khế nhiều và thường xuyên, vì axít oxalic dễ gây ra sỏi thận nặng hơn. Chất axít này còn cản trở sự hấp thu canxi trong cơ thể nên những người còi xương, có vấn đề xương khớp, trẻ dưới năm tuổi nên hạn chế ăn. Người đau dạ dày hoặc đang đói cũng không nên ăn khế, đặc biệt khế chua.