Đau thắt ngực là một bệnh lý thường gặp trong những hội chứng về động mạch vành, dạng bệnh nhẹ nhất trong số các chứng bệnh do thiếu máu cục bộ cơ tim. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời bệnh sẽ diễn biến ngày càng xấu hơn và có nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim. Việc phòng ngừa và điều trị triệt để căn bệnh này cần một biện pháp tổng hợp bao gồm: chế độ ăn uống ít chất béo, nhiều rau quả và ngũ cốc thô, vận động thân thể và thực hành thư giãn.
1. Nguyên nhân:
Tuổi: Tuổi càng cao càng có nhiều nguy cơ bị bệnh mạch vành.
Giới tính: Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn sau khi mãn kinh.
Tiền sử gia đình: Nếu bố mẹ, anh chị, ông bà bị các tai biến tim mạch khi còn tương đối trẻ (nam <55 tuổi, nữ <65 tuổi) thì bạn có nguy cơ bị bệnh mạch vành cao hơn.
Hút thuốc lá: Hút thuốc làm nguy cơ mắc bệnh mạch vành tăng lên gấp 2 lần, nhưng sẽ giảm dần khi bạn ngừng hút thuốc lá.
Lối sống ít vận động ảnh hưởng không tốt đến cơ thể một cách toàn diện, trong đó có giảm chất lượng thành mạch nói chung, động mạch vành nói riêng.
Tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, rối loạn mỡ máu cũng là những nguyên nhân gây ra đau thắt ngực ổn định.
Uống quá nhiều rượu bia cũng là một nguyên nhân quan trọng gây ra nhồi máu cơ tim, làm xuất hiện những cơn đau thắt ngực ổn định.
2. Triệu chứng:
Cơn đau thắt ngực ổn định: Thường xảy ra khi gắng sức và giảm đi lúc bệnh nhân được nghỉ ngơi, nên người ta gọi là cơn đau thắt ngực ổn định, nó thường tự hết từ 1-5 phút sau khi ngừng gắng sức. Đôi lúc nó có thể thầm lặng (không đau hoặc đau ngực không điển hình) gọi là thiếu máu cơ tim thầm lặng.
Biểu hiện: Bệnh nhân có cảm giác bó chặt, thắt nghẹt, đè ép hay đôi khi chỉ là cảm giác khó chịu trong ngực, có thể kèm theo khó thở. Đau có thể lan lên cổ, ra hàm, ra cánh tay, thường gặp nhất là lan ra bên trái. Đôi khi đau ở vùng thượng vị. Có trường hợp đau lan ra sau lưng, đau vùng cột sống làm người bệnh tưởng lầm là đau do thoái hóa cột sống thắt lưng.
Vị trí đau: Thường ở vùng giữa ngực, sau xương ức hay vùng trước tim.
Đau thắt ngực là một trong những dấu hiệu của bệnh tim mạch, gây nguy hại đến sức khỏe
Cơn đau thắt ngực không ổn định:
Biểu hiện: Cảm giác đau ngực rất khác nhau giữa các cá thể. Nhiều bệnh nhân nhập viện không phải vì đau thắt ngực mà chỉ vì cảm giác khó chịu ở trong ngực. Cơn đau thường kéo dài hơn 20 phút, có thể trội lên hay thuyên giảm đi từng lúc. Nó thường xuất hiện khi nghỉ hay gắng sức nhẹ, có thể kèm theo các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, vã mồ hôi, mệt mỏi không giải thích được. Người già, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi, bệnh nhân bị tiểu đường có thể bị đau thắt ngực không ổn định mà không có triệu chứng đau ngực.
Vị trí đau: Thường xuất hiện sau xương ức hay vùng trước tim, có thể lan ra vùng cổ, hàm, vùng liên bả vai, chi trên, vùng thượng vị.
3. Điều trị và dự phòng:
Điều trị và dự phòng đau thắt ngực là một bài toán tổng thể, không thể chỉ dùng một biện pháp đơn độc để giải quyết triệt để căn bệnh này trong một sớm một chiều được. Tuy nhiên, điều may mắn là có rất nhiều thuốc để điều trị cũng như dự phòng căn bệnh này. Bên cạnh đó cũng cần một chế độ ăn uống, sinh hoạt luyện tập, cụ thể như sau:
Sử dụng thường xuyên các thuốc điều trị bệnh tim mạch, tiểu đường, mỡ máu, huyết áp,... nếu có mắc những bệnh này.
Chế độ ăn ít cholesterol, đặc biệt là cholesterol bão hòa thường có nhiều trong mỡ động vật, nên ăn nhiều thức ăn có nguồn gốc thực vật, các loại hoa quả có nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa.
Người bệnh tim mạch nên ăn nhạt.
Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cafe,...
Tập thể dục nhẹ, đặc biệt là đi bộ rất có ích cho người bệnh.
Cố gắng chọn lựa một công việc phù hợp với thể lực của mình.
Y học cổ truyền đã khẳng định, nóng giận hại tim, do đó người bệnh nên hạn chế những cảm xúc quá mạnh đột ngột.