Người dân Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc hiện phải đối mặt với dịch đau mắt đỏ đang lây lan nhanh chóng. Nhiều gia đình phải áp dụng các biện pháp cách ly người bị bệnh.
Bệnh thường nặng hơn ở trẻ em
Tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện (BV) Mắt trung ương, những ngày qua có rất đông bệnh nhân đến khám và điều trị đau mắt đỏ. Chị Vũ Thị Ngân - 31 tuổi, ở quận Tây Hồ (Hà Nội) - chờ tái khám sau gần 1 tuần đau mắt đỏ. Dù đã qua 3 ngày điều trị theo đơn của bác sĩ nhưng đến thời điểm này, mắt chị Ngân vẫn còn sưng, đỏ, mỏi mắt và nhìn mờ. Theo chị Ngân, khu tập thể nơi chị ở có rất nhiều người bị đau mắt đỏ, dù đã cố gắng phòng tránh bằng cách nhỏ nước muối liên tục nhưng vợ chồng chị vẫn không “thoát” được dịch.
Có mặt tại một phòng khám ở quận Hai Bà Trưng từ rất sớm để khám mắt nhưng mẹ con chị Nguyễn Hồng Hải, ở phố Bạch Mai, vẫn phải chờ cả giờ mới đến lượt. Chị Hải cho biết cuối tuần trước, chồng chị bị đau mắt đỏ, dù cả nhà đã hạn chế tiếp xúc, dùng riêng đồ dùng cá nhân (khăn mặt, bát đũa), không ăn chung… nhưng đến lúc bố khỏi bệnh thì hai mẹ con chị lại “dính”. “Dù biết bệnh này không nguy hiểm lắm nhưng khi mắc thì rất phiền, con phải nghỉ học, bố mẹ cũng nghỉ làm vì mắt mũi lèm nhèm, sưng đỏ, nhức nhối” - chị Hải nói.
Theo bác sĩ Trần Khánh Sâm, Phó trưởng Khoa Kết giác mạc BV Mắt trung ương, dịch đau mắt đỏ (hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp) đang vào mùa, khoảng 2 tuần trở lại đây mỗi ngày có 300-400 bệnh nhân khám mỗi ngày, gấp 3-4 lần ngày thường. Bác sĩ Sâm cho biết thời điểm này, dịch đau mắt đỏ ở Hà Nội nhìn chung chỉ mới lây lan trong phạm vi gia đình nhưng đây là dịch nên có thể lây lan rộng hơn. Nếu thời tiết tiếp tục diễn biến thất thường như hiện nay, dịch có khả năng lan rộng ra nhiều tỉnh, thành, vùng miền như năm trước. “Bệnh đau mắt đỏ không điều trị cũng khỏi, thế nhưng do dễ lây lan nên nhiều gia đình cả nhà đều mắc, người này khỏi lại đến người kia, gây nhiều phiền toái trong sinh hoạt. Đặc biệt, với trẻ nhỏ, bệnh thường nặng hơn người lớn do virus tấn công cả hệ hô hấp, đường tiêu hóa khiến trẻ sốt, ho, nổi hạch và tiêu chảy” - bác sĩ Sâm lưu ý.
Lo “cháy” thuốc điều trị
Trước nguy cơ dịch đau mắt đỏ lan rộng, nhiều gia đình đã mua thuốc trữ trong nhà để tránh tình trạng như năm ngoái mắc bệnh mà không có thuốc điều trị. Chị Hoàng Vân - nhân viên một hiệu thuốc trên phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm - cho biết rút kinh nghiệm năm ngoái “cháy” thuốc trị đau mắt đỏ khi dịch “càn quét” khắp các địa phương nên năm nay, lượng thuốc nhỏ mắt (phổ biến là Tobrex, Tobrin) được nhập nhiều hơn. “Năm ngoái có thời điểm cửa hàng bán ra cả trăm lọ mỗi ngày. Thực tế, có nhiều loại thuốc điều trị viêm kết mạc nhưng không hiểu sao người bệnh chỉ tập trung vào 1- 2 loại, trong khi các loại thuốc khác có cùng hoạt chất, cùng tác dụng điều trị lại rẻ tiền hơn mà họ nhất định không mua” - chị Vân nói. Trong khi đó theo phản ánh của một số người dân, dù chưa xuất hiện tình trạng “cháy” thuốc trị đau mắt nhưng cùng một lọ thuốc nhỏ mắt, tại các hiệu thuốc đã có tới 2-3 mức giá.
Về diễn biến của bệnh đau mắt đỏ trong thời gian tới, bác sĩ Sâm cho biết những ngày qua, số bệnh nhân đến khám tại BV Mắt trung ương không chỉ ở Hà Nội mà còn từ nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Bệnh đau mắt đỏ lây lan do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua đường hô hấp, nước bọt, qua cầm nắm hay chạm vào những đồ vật của nguồn bệnh, qua thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, miệng… Người mắc bệnh cảm thấy mệt mỏi, hâm hấp sốt, đau họng, ho, đặc biệt thấy nhức mắt, chảy nước mắt, mắt đỏ và nhiều ghèn, nhất là sau khi ngủ dậy, mắt khó mở.
Theo các bác sĩ, hiện bệnh đau mắt đỏ do virus không có thuốc đặc trị, chỉ có thể chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cẩn thận thì sau 7-10 ngày sẽ khỏi. Tuy nhiên khi thấy bệnh nặng hơn, mắt mờ, cần tới ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám. “Hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu với virus gây bệnh đau mắt đỏ nhưng vic kết hợp một số kháng sinh sẽ giúp bệnh mau khỏi hơn và giảm các nguy cơ biến chứng của bệnh” - bác sĩ Sâm khuyến cáo.
Ngoài ra, trẻ con hay người lớn khi mắc bệnh cần ở nhà để tránh lây lan cho người khác. Tuyệt đối không tự mua thuốc về điều trị, đặc biệt là những loại thuốc có chứa corticoid, nếu không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt; không đắp các loại lá trầu, lá dâu… vào mắt để tránh các biến chứng gây khô mắt, tổn hại bề mặt giác mạc, ảnh hưởng đến thị lực. Các bác sĩ cũng lưu ý ngay cả những người đã khỏi bệnh cũng không nên chủ quan vì virus gây bệnh có thời gian miễn dịch rất ngắn, khoảng 2 tháng, vì thế có người mắc bệnh đến 2 lần trong một đợt dịch.
Bộ Y tế cảnh báo dịch đau mắt đỏ lan rộng
Ngày 11-9, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết bệnh đau mắt đỏ là bệnh truyền nhiễm cấp tính thường do virus nhóm Adeno và Picorna với triệu chứng thường gặp như: sốt nhẹ; cộm mắt, đau, sưng, đỏ mắt; tiết nhiều dịch dử mắt (ghèn) và chảy nước mắt.
Bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với dịch tiết từ mắt qua bàn tay nhiễm virus hoặc dùng chung đồ dùng, vật dụng bị nhiễm mầm bệnh. Bệnh có thể lây truyền mạnh trong gia đình, nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và những nơi tập trung đông người. Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo khi đang có dịch đau mắt đỏ, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; rửa mắt hằng ngày bằng nước muối sinh lý; không dùng chung thuốc nhỏ mắt, đồ đạc với người đau mắt. Đặc biệt, hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt, đến những nơi đông người, hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm và đi bơi. Những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.