Các nghiên cứu dịch tễ và nghiên cứu trên động vật thực nghiệm đã chứng minh rất rõ mối liên hệ này từ nhiều năm trước đây. Thiếu hụt các chất vi lượng và các chất chống ôxy hóa (trong chế độ dinh dưỡng) không những làm suy yếu sức đề kháng và khả năng chống đỡ với các bệnh virut thông thường mà còn làm tăng đột biến của chính virut gây bệnh dẫn tới các triệu chứng bệnh trầm trọng hơn và nhiều biến chứng nguy hiểm hơn cho người bệnh.
Dịch sởi hiện nay ở Việt Nam, ngoài yếu tố tiêm chủng và sự phát triển ngẫu nhiên của một chủng virut với khả năng lây lan và độc tính mạnh rất có thể liên quan đến những vấn đề thiếu hụt các chất vi lượng và vitamin có khả năng chống ôxy hóa trong thực phẩm dẫn tới sự suy giảm sức đề kháng của cơ thể.
Để giảm lây nhiễm, giảm các biến chứng nặng nề, đặc biệt là các biến chứng ở đường hô hấp ở bệnh nhân mắc bệnh sởi, giảm tử vong cho người bệnh cũng như hạn chế sự lặp lại của một đại dịch như hiện nay, ngoài việc chú trọng đến tiêm chủng và các biện pháp chữa bệnh mang tính đối phó với từng triệu chứng, chúng ta cần chú trọng vấn đề dinh dưỡng trong phòng bệnh và chữa bệnh.
Trong các yếu tố dinh dưỡng liên quan đến sự tăng lây nhiễm, tăng độc tính cũng như các biến chứng của các bệnh do virut như bệnh sởi, thiếu hụt selen trong thực phẩm đã được chứng minh rõ ràng nhất.
Selen có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sức đề kháng khỏe mạnh. Tác dụng của selen đồng hành với vitamin E, vitamin C, glutathione và vitamin B3 như những chất chống ôxy hóa mạnh giúp giảm bớt các tổn thương ở màng tế bào, chống viêm và chống độc tố của virut.
Chúng ta có thể bị thiếu selen trong cơ thể nếu uống nước và thực phẩm không chứa đủ lượng selen cần thiết. Điều này có thể do thổ nhưỡng không đủ selen dẫn tới sự nghèo nàn chất này trong thực phẩm cũng như trong nước uống. Việc sử dụng các loại nước đóng chai đã được khử trùng bằng clo là chất ôxy hóa mạnh, tất nhiên sẽ dẫn đến sự triệt tiêu của chất này trong nước uống. Chế biến thực phẩm bằng nhiệt độ cao (lò vi sóng) và sử dụng các thuốc kháng sinh, các thuốc chống viêm cũng dẫn đến sự giảm hấp thu selen trong cơ thể.
Bổ sung selen bằng cách ăn các loại thực phẩm giàu selen như các loại hạt dẻ, hạt hướng dương, các loại cá (đặc biệt là cá biển), thịt gà, trứng gà, các loại nấm ăn gạo lứt, các loại ngũ cốc toàn phần, hành và tỏi hoặc bổ sung bằng thuốc hoặc dưới dạng thực phẩm chức năng.
Ngoài selen, việc dùng vitamin C liều cao: trẻ em từ 200-500mg mỗi ngày, người lớn từ 500-2.000mg mỗi ngày cũng có thể mang lại lợi ích tương tự như selen. Trong trường hợp biến chứng nặng, có thể dùng vitamin C tiêm hoặc truyền tĩnh mạch.
Khi ở gia đình, bệnh nhân có thể dùng các dược thảo rất dễ kiếm và sử dụng của Việt Nam như xuyên tâm liên, diếp cá, tô mộc... cũng có thể giúp giảm triệu chứng, phòng và điều trị các biến chứng của bệnh sởi.