SỨC KHỎE » Chăm sóc sức khỏe

Đường ruột có 8 dấu hiệu này chứng tỏ nó đang cực kỳ bẩn, cảnh báo cơ thể sẽ ngày càng nhiều bệnh, cần thay đổi

Thứ hai, 03/06/2024 14:18

Nếu không chăm sóc và được làm "sạch" đúng cách, đường ruột sẽ bị bẩn và gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đường ruột là một hệ cơ quan quan trọng của cơ thể, vừa cung cấp dinh dưỡng, tái tạo năng lượng vừa nâng cao chất lượng của hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, nếu không chăm sóc và được làm "sạch" đúng cách, đường ruột sẽ bị bẩn và gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nguyên nhân khiến đường ruột bẩn

Theo Bác sĩ Vũ Thanh Tuấn - BV Medlatec, đường ruột giúp hấp thụ dinh dưỡng, chuyển đổi thức ăn thành năng lượng. Do đó, thói quen ăn uống thiếu khoa học là nguyên nhân chính khiến sức khỏe đường ruột giảm sút.

Đường ruột bẩn do nhiều nguyên nhân khác nhau

Một chế độ ăn mất cân bằng, có quá nhiều thịt, cá, sữa, chất béo,... sẽ khiến đường ruột co rút và làm việc quá tải. Trong thời gian dài, thành đường ruột sẽ trở thành nơi tích tụ các chất bẩn.

Bên cạnh đó, trong đường ruột còn chứa rất nhiều lợi khuẩn cũng như vi khuẩn có hại. Môi trường đường ruột có quá nhiều chất bẩn sẽ gây mất cân bằng hệ vi sinh. Theo đó, vi khuẩn có hại sẽ phát triển và tăng nguy cơ mắc bệnh cho hệ tiêu hóa. Những điều này chính là nguyên nhân gây ra tình trạng đường ruột bẩn.

Dấu hiệu cảnh báo tình trạng đường ruột bẩn

Khi đường ruột không khỏe, cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng. Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo đường ruột bị bẩn bạn cần đặc biệt chú ý.

Bụng chướng, khó tiêu

Tình trạng chướng bụng, đầy hơi khó tiêu là dấu hiệu của một hệ tiêu hóa kém khỏe mạnh. Khi đường ruột hoạt động không hiệu quả, thức ăn sẽ không được tiêu hóa hết, chất thải ứ đọng trong cơ thể. Các tình trạng như ợ hơi, ợ chua, táo bón,... sẽ xuất hiện.

Tăng cân mất kiểm soát

Theo Eat This Not That, nghiên cứu được đăng trên tạp chí Preventative Nutrition and Food Science năm 2020 cho thấy hệ vi sinh vật tác động đến quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng và tiêu hao năng lượng - 2 thành phần chính trong việc kiểm soát cân nặng. Nguyên nhân có thể là sự cản trở trong đường ruột. Sự tích tụ độc tố trong đường ruột kích thích quá trình lưu trữ chất béo, đặc biệt là ở vùng bụng. Độc tố cũng có thể ảnh hưởng đến cảm giác no, dẫn đến tiêu thụ thức ăn không kiểm soát và gây tăng cân.

Rối loạn về giấc ngủ

Đường ruột không khỏe mạnh có thể góp phần gây ra rối loạn giấc ngủ như mất ngủ hoặc ngủ không ngon, và do đó dẫn đến mệt mỏi mãn tính. Phần lớn các hormon bao gồm serotonin, có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và giấc ngủ, được sản xuất trong ruột. Vì vậy, tổn thương đường ruột có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe toàn bộ. Thêm vào đó, một số rối loạn giấc ngủ cũng có liên quan đến nguy cơ đau cơ xơ hóa.

Kích ứng da

Ruột bị tổn thương có thể liên quan đến các bệnh về da như bệnh chàm. Khi viêm ruột xảy ra có thể làm tăng tiết protein ra ngoài cơ thể, dẫn đến kích ứng da.

Mệt mỏi kéo dài

Theo nghiên cứu của Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Mỹ, những người mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính có thể bị mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, bao gồm vi khuẩn, vi sinh vật, nấm và virus có trong đường tiêu hóa. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện gần một nửa số người mệt mỏi cũng mắc hội chứng ruột kích thích IBS. Độc tố tích tụ trong đường ruột có thể làm thay đổi hormone, đặc biệt là hormone liên quan đến sự tỉnh táo và năng lượng như cortisol. Sự tăng cao hoặc giảm thiểu hormone này có thể làm tăng mức độ mệt mỏi.

Hôi miệng

Đây là dấu hiệu xấu của sức khỏe đường ruột, đặc biệt là khi vấn đề này liên quan đến rối loạn tiêu hóa. Việc tích tụ chất cặn và độc tố trong đường ruột có thể tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn gây mùi. Mất cân bằng vi khuẩn trong đường ruột cũng ảnh hưởng đến mùi của hơi thở.

Thay đổi hệ miễn dịch

Các nhà nghiên cứu ngày nay liên tục tìm ra bằng chứng mới về tác động của ruột đối với hệ thống miễn dịch. Người ta cho rằng đường ruột không khỏe có thể được xem như yếu tố nguy cơ tăng chứng viêm hệ thống đồng thời thay đổi hoạt động của hệ miễn dịch, dẫn đến các bệnh tự miễn dịch.

Táo bón

Theo Eat This Not That, sự tích tụ chất cặn và độc tố trong đường ruột có thể làm tăng độ nhớt của phân, gây khó khăn trong quá trình điều tiết và di chuyển phân ra khỏi cơ thể. Hệ tiêu hóa không hoạt động hiệu quả dễ gây ra tình trạng này.

Như đã đề cập ở trên, đường ruột là bộ phận đảm nhận rất nhiều vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Vậy nên, khi đường ruột bị bẩn, gần như mọi cơ quan sẽ bị tác động.

Đặc biệt, hệ vi sinh trong đường ruột mất đi sự cân bằng, đề kháng của cơ thể giảm sút. Từ đó khiến cơ thể dễ mắc phải các bệnh lý về tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn, viêm nhiễm đường ruột, táo bón, đau dạ dày, nguy hiểm hơn là ung thư,...

Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới