SỨC KHỎE » Chăm sóc sức khỏe

Gần Tết uống bia rượu nhiều, chuyên gia chỉ cách duy nhất để giảm nồng độ cồn trong máu

Chủ nhật, 04/02/2024 09:58

Trên mạng xã hội có nhiều người mách cách giảm nồng độ cồn trong máu nhanh. Tuy nhiên theo chuyên gia chỉ có một cách duy nhất.

Vào các dịp lễ Tết, lượng rượu bia được tiêu thụ tăng lên đáng kể bởi đây là những loại thức uống không thể thiếu. Tuy nhiên, khi uống rượu bia ngày Tết, ai cũng biết đây là loại đồ uống rất có hại cho sức khoẻ nếu lạm dụng quá mức. Nhất là khi phải điều khiển phương tiện giao thông mà có nồng độ cồn trong máu rất nguy hiểm và bị xử phạt nặng.

Việc xác định nồng độ cồn trong máu (BAC - Blood Alcohol Concentration) dựa trên các yếu tố như giới tính, cân nặng, độ mạnh của đồ uống và lượng rượu hoặc bia tiêu thụ.

Nồng độ cồn này thường được tính đoán trong khoảng thời gian từ 30 đến 70 phút sau khi uống rượu bia. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng không có thực phẩm nào có thể ảnh hưởng đến BAC; cách duy nhất là thời gian.

Theo chuyên gia, cách duy nhất để giảm nồng độ cồn trong máu là thời gian.

Theo đó, BAC là số gram cồn nguyên chất trong một lít máu. BAC cũng được đo bằng miligram cồn trên một lít khí thở ra. Một gram cồn nguyên chất trên một lít máu tương đương nửa miligram trên một lít khí thở ra. Ví dụ, BAC 0,05% có nghĩa là có 50mg cồn trong 100ml máu, tương đương với 0,25mg trên mỗi lít khí thở ra. Mức BAC càng cao, tác động nguy hại đối với cơ thể càng lớn.

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia an toàn thực phẩm, hiện tại không có ngưỡng an toàn cụ thể khi sử dụng rượu bia. Tùy thuộc vào thể trạng, giới tính và tình trạng sức khỏe, tác động của cồn đối với mỗi người sẽ khác nhau. Do đó, không nên thử thách giới hạn chịu đựng của cơ thể với các loại đồ uống có cồn.

Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng đưa ra khuyến nghị, người dân nên tránh lạm dụng rượu bia, tức là không nên uống quá hai đơn vị cồn mỗi ngày đối với nam giới và một đơn vị cồn mỗi ngày đối với nữ giới, cũng như không nên uống quá 5 ngày mỗi tuần. Đồng thời, cần tránh để trẻ em và trẻ vị thành niên tiếp xúc với rượu bia.

Vào các dịp như lễ, Tết nếu phải uống rượu bia, người dân cần uống từ từ, chậm rãi nhằm giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày đồng thời giúp gan có thời gian để kịp oxy hóa rượu giảm nguy cơ say, ngộ độc rượu.

Trước khi uống rượu bia nên uống nước lọc, nước hoa quả hoặc nước súp/súp hoặc nước canh và đồ ăn đặc biệt là rau xanh nhằm pha loãng nồng độ cồn của rượu, giảm kích ứng dạ dày. Nên ăn đồ ăn có nhiều protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.

Cần lưu ý chọn lựa rượu bia có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng. Hạn chế việc uống rượu khi đói, tránh uống rượu kèm với đồ uống có ga và không uống rượu cùng lúc với caffeine. Tránh sử dụng rượu cùng lúc với aspirin, một loại thuốc giảm đau. Đặc biệt, tuyệt đối không điều khiển phương tiện cơ giới sau khi uống rượu bia.

Tường San (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới