Người châu Á đã nghĩ ra món giá đỗ cách nay khoảng 3.000 năm nhưng người phương Tây thì chỉ biết đến giá gần đây. Trước đây, giá không được quan tâm như là một thành phần dinh dưỡng nhưng bằng những đóng góp thầm lặng, giá đỗ ngày nay được các nhà dinh dưỡng tôn vinh là một loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng và phòng chống bệnh tật.
Giấc mơ của những người ăn kiêng
Giá đỗ chứa rất nhiều viatamin và khoáng chất. Không những chứa hàm lượng cao protein, vitamin C, acid folic, enzyme…, giá đỗ ngày nay được mệnh danh là “giấc mơ của những người ăn kiêng”. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, một chén giá đỗ chứa khoảng 26 calories, 3 g protein, chỉ chứa có 6 g carbonhydrate và 2 g chất béo. Ngoài ra, giá đỗ là một nguồn cung cấp chất xơ và là một nguồn enzyme dồi dào.
Enzyme là những chất vô cùng quan trọng cho sức khỏe. Cũng quan trọng như máu chảy trong cơ thể, enzyme là những protein đặc biệt đóng vai trò là chất xúc tác, tác động vào những tiến trình sinh học của cơ thể, từ chức năng não cho tới sinh sản. Nhờ những enzyme ở hệ tiêu hóa, thức ăn sẽ được tiêu hóa thành những chất dinh dưỡng được hấp thụ qua thành ruột để đi vào máu. Nếu thiếu những enzyme này thì thức ăn trong cơ thể cứ “ăn dầm nằm dề” ở ruột và chờ đợi vi khuẩn xử lý. Điều này dẫn đến những trục trặc khác cho cơ thể như làm xấu da, xuống tinh thần, kích ứng ruột, hơi thở có mùi khó chịu..., đồng thời làm thiếu hụt những vitamin và khoáng chất.
Nhưng thật may mắn, trong những trường hợp như vậy, giá đỗ có vai trò như một “hiệp sĩ” giữa đường... tiêu hóa, cung cấp đầy đủ enzyme cần thiết để xử lý thức ăn. Những enzyme của giá đỗ hoạt động hoàn toàn giống như enzyme của cơ thể, giúp tiêu hóa thức ăn để cơ thể có thể hấp thụ một cách dễ dàng, giúp ngăn ngừa những căn bệnh thoái hóa.
Giá đỗ cũng đang được xem xét là chất dinh dưỡng có thể ngăn ngừa ung thư do trong thành phần có những enzyme có thể kháng lại carcinogens (các tác nhân gây ung thư). Ngoài ra, giá cũng có chức năng tăng cường miễn dịch vì có chứa một số enzyme có hoạt tính chống ôxy hóa (antioxidants).
Dễ làm
Tại Úc, giá đỗ rất đắt (2,5 AUD/kg), vì vậy dân Úc thường tự làm giá tại nhà để sử dụng. Ở Việt Nam thì dễ hơn, chạy ào ra chợ là có ngay. Tuy nhiên, sự thuận tiện này lại dẫn đến 2 mối quan tâm khác.
Một là, do điều kiện ẩm ướt và môi trường thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm ở chợ nên giá đỗ rất dễ bị nhiễm vi khuẩn, thường là nhiễm E.coli và Salmonella.
Hai là, để giá trông có vẻ hấp dẫn hơn, người làm giá thường cho vào các loại hóa chất để giúp giá trắng, tươi lâu hơn, hoặc dùng phân u-rê làm cho cọng giá tròn mập. Vì vậy, để giá đỗ có chất lượng, tốt cho sức khỏe, nếu có thời gian thì các gia đình nên tự làm tại nhà.
Công việc này tiến hành rất đơn giản theo 5 bước sau:
- Rửa đỗ (đậu) cho sạch rồi bỏ vào một hũ sạch, phủ nước ngập khoảng 1-2 cm.
- Đậy hũ bằng một miếng vải mùng rồi để vào chỗ tối, ấm qua đêm.
- Sau đó rửa lại đỗ bằng nước sạch, để ráo nước hẳn rồi cho lại vào hũ, đặt lại chỗ cũ.
- Mỗi ngày cứ làm như vậy cho đến khi hạt đỗ nảy mầm.
- Khi hạt đỗ nảy mầm, cần phải để ở nơi có ánh sáng vài giờ, sau đó có thể cho sản phẩm vào tủ lạnh để ăn.
Giá đỗ rất tốt cho tiêu hóa nhờ có nguồn enzyme dồi dào, giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống ôxy hóa.