Dạy con bằng đòn roi
Chuyện chị Phương dạy con bằng đòn roi và sự phản ứng của con chị đã quá quen thuộc với ngõ phố nơi chị sinh sống. Ngày nào cũng như ngày nào, hễ đón con đi học buổi chiều về, chị cũng làm náo loạn cả khu phố bằng cách quắc mắt chửi con kèm theo những tiếng rít lên kèn kẹt.
Bà mẹ một con này tâm sự: “Tôi không muốn mọi người chê tôi không biết dạy con, cũng không muốn ai cho tôi là ghê gớm. Nhưng quả thật, tôi không thể chịu được kiểu con cái cãi lại bố mẹ. Thằng Huy quá nghịch ngợm và cậy có bà nội bênh nên nó mới nứt mắt ra đã láo toét”. Hôm qua chị nghe nó nói với bà nội trong phòng “ mẹ cháu ác lắm, suốt ngày đánh con, cháu ghét mẹ và chán học quá”.
Ở cuộc sống hiện đại những sự việc trên rất nhiều. Thế mới thấy, có nhiều nhiều bậc cha mẹ thường thiếu kiên nhẫn để có thể trò chuyện và giải thích cho con về cách chúng nên thể hiện cảm xúc với bố mẹ như thế nào cho đúng. Quát, đánh, mắng được các ông bố, bà mẹ áp dụng cho con như phương pháp hữu hiệu nhất để “trị” những đứa con khó bảo. Nhưng khi đứa trẻ phản ứng lại với phương pháp này, nó thường khiến cha mẹ phát điên và tất nhiên bố mẹ lại quy cho con là những đứa trẻ “cứng đầu, mất dạy”...
Theo các nhà tâm lý học, giúp trẻ biết kiềm chế và thể hiện tình cảm kể cả về mặt tích cực hay tiêu cực là nền tảng rất quan trọng cho sự phát triển cá tính và nhân cách của trẻ. Việc đó đòi hỏi các bậc cha mẹ cần làm ngay từ độ tuổi từ 3-6 tuổi. Vì ở độ tuổi này trẻ hay tự khẳng định mình bằng những hành động bột phát. Tuy nhiên để giúp trẻ tự kiềm chế, người lớn đừng thúc ép con. Bởi đối với những quy ước xã hội, trẻ cần có thời gian làm quen và học kiềm chế hành vi, các chân lý sống trong xã hội, cách ứng xử với mọi người. Vì thế cha mẹ và trẻ sẽ phải cùng nhau học cách biểu lộ hoặc tự kiềm chế tình cảm.
Cảm xúc tiêu cực cũng cần được bộc lộ
Trong một hội thảo gần đây về phương pháp dạy con nên người, một người bố trao đổi kinh nghiệm rằng: “Muốn con ngoan, cha mẹ phải nghiêm khắc. Kể cả khi bố mẹ nhầm lẫn con cái cũng không được phép phản ứng và thiếu lễ độ. Bạn phải chỉ cho con thấy cãi lại cha mẹ là hỗn xược”.
Song cũng có một số người cho rằng hãy để trẻ có quyền tự do được bộc lộ cảm xúc “tiêu cực”. Cách nghĩ này có vẻ như thoáng quá chăng? Từ trước đến nay phần lớn các cha mẹ cảm thấy bình thường và hài lòng trước các tình cảm tích cực khi nghe con nói: “Mẹ thật tuyệt vời, con yêu mẹ” nhưng lại bực bội khi nghe các câu: “Con ghét nẹ, sao mẹ lại cấm con”…
Cha mẹ luôn luôn muốn con mình là đứa trẻ ngoan ngoãn, chăm chỉ. Thái độ bướng bỉnh, cãi lại của trẻ thường được bậc cha mẹ coi là mầm mống của sự hỗn láo, đối kháng. Họ cảm thấy cái uy của mình bị lung lay, tự ái vì nghĩ đến công sức của mình nuôi dạy chăm chút con nay được “báo hiếu” bởi sự bướng bỉnh khiến bố mẹ không tự chủ được đã đánh mắng trẻ và quan điểm con cái không được cãi lại cha mẹ cho dù đó là đúng hay sai.
Cần có phương pháp giáo dục
Theo chuyên gia tâm lý của Trung tâm nghiên cứu tư vấn tâm lý trẻ em thì trên thực tế những đứa trẻ có thể lực và tinh thần yếu sẽ cảm thấy buồn bã, sợ hãi khi bị bố mẹ đánh đập, sỉ nhục. Lâu dần trẻ sẽ bị trầm cảm, khép mình, ngại giao tiếp, khó biểu lộ hay chia sẻ những cảm xúc của bản thân. Nếu lời lẽ quá đáng làm trẻ mất sĩ diện trước bạn bè, trẻ sẽ xấu hổ, quẫn trí, thậm chí làm những hành động dại dột. Song cũng có những đứa trẻ trở nên hung hãn, hay giận dữ và quậy phá.
Khi cha mẹ quát mắng con cái và cứ nghĩ mình đã “đập tan” mầm mống chống đối nhưng họ không biết rằng: một thái độ tình cảm được nảy sinh trong lòng đứa trẻ, dù nói hay không thì trong đầu nó vẫn nghĩ thế. Nếu bạn quát mắng, sỉ vả, cấm không cho trẻ bộc lộ tình cảm tiêu cực, cũng có nghĩa là bạn đã ngăn chặn tình cảm tích cực xuất hiện.
Chính vì thế để con được bộc lộ cảm xúc không có nghĩa là tự do không có giới hạn. Điều cơ bản là phải thông cảm với tâm trạng của trẻ. Nếu bố mẹ áp dụng biện pháp tiêu cực như đay nghiến, sỉ vả, đánh đòn sẽ làm cho trẻ co mình lại và sự lầm lì gia tăng.
Giúp trẻ em bộc lộ được cảm xúc, giúp các em sống hồn nhiên hơn với lứa tuổi vốn rất ngây thơ trong việc đánh giá cuộc đời. Chúng ta cần dạy các em biết sống, biết hướng đến tương lai, biết nghĩ đến cuộc sống thực tế nhưng đừng bắt các em phải có những suy nghĩ như người lớn, đừng yêu cầu các em phải có những hành động như người lớn khi điều đó chỉ làm các em thêm lo toan và “già” đi trước tuổi. Bộc lộ được cảm xúc, trẻ sẽ có thể tự điều chỉnh được hành vi của mình với sự hướng dẫn của người lớn, đó là một hình thức giáo dục thật hay, và do đó trẻ sẽ hoàn thiện được nhân cách của mình thông qua mối quan hệ với môi trường bằng hoạt động đa dạng.