Bơi lội không chỉ để thư giãn mà còn giúp các bé rèn luyện sức khỏe, phát triển tốt hơn và tránh được những nguy hiểm đáng tiếc có thể xảy ra trong các trường hợp không may. Dưới đây là những kỹ năng dạy bơi cho trẻ.
Từ 6-12 tháng tuổi
Từ 6-12 tháng tuổi là thời điểm tốt để cho bé làm quen với nước vì ở độ tuổi này bé làm quen với các kỹ năng rất nhanh. Mẹ có thể bắt đầu bài tập này bằng cách để con ngồi trên thành bể bơi và thả chân xuống nước. Hoặc có thể nhấc con lên khỏi mặt nước để bé vẫy vùng dưới nước bằng chân.
Hướng dẫn cách dạy bơi cho trẻ
Trẻ dưới 2 tuổi
Để trẻ tiếp xúc với nước dần dần
Có rất nhiều trường hợp gồm cả người lớn và trẻ em bị chết đuối vì hoảng sợ trong nước. Bằng cách từ từ để trẻ làm quen với nước, các mẹ đang giúp trẻ vượt qua nỗi sợ khi ở dưới nước. Điều này sẽ giúp trẻ bình tĩnh hơn khi học các kỹ năng bơi.
Một số bài tập nên áp dụng cho trẻ
- Dùng hai tay giữ nách của con hoặc có thể giữ con ở ngang hông mẹ, đứng đối diện với con hay đứng sau lưng tùy ý. Từ từ để con di chuyển trong nước, cố gắng khuyến khích bé đạp và cảm nhận sự tiến lên. Dần dần, mẹ có thể bỏ tay cho bé tự tiến về phía mẹ trong vòng vài giây rồi tăng dần thời gian và khoảng cách.
- Dùng hai tay đỡ lưng bé, để con nằm ngửa và giúp con nổi trên mặt nước. Hãy giả vờ và cho trẻ có cảm giác mình là một “siêu anh hùng”.
- Để trẻ ôm cổ bạn trong khi 2 tay bạn cầm 2 chân trẻ để hướng dẫn trẻ đạp lên đạp xuống. Sau vài động tác thực hành, con bạn sẽ học để bắt đầu tự mình đá chân trong nước.
- Dạy trẻ các nguyên tắc nổi bằng cách cho trẻ chơi với các đồ chơi có thể nổi như phao hay bong bóng.
- Để trẻ dựa đầu vào vai bạn và cùng nhau thả lỏng trên mặt nước. Hãy hát một bài hát thư giãn để trẻ quên đi nỗi sợ hãi khi ở dưới nước.
Trong trường hợp nếu thấy trẻ có biểu hiện hoảng sợ, hãy trấn an trẻ bằng cách cười và nói “Không sao, bố (mẹ) đây rồi”.
Từ 2- 4 tuổi
Dạy con các quy tắc của hồ bơi
Ở tuổi này, con bạn đủ nhận thức để có thể hiểu được những gì được và không được phép làm ở hồ bơi. Ví dụ như chỉ bơi khi có sự cho phép, không được chạy, không lặn, bơi cùng người lớn và tránh xa cống và bộ lọc...
Dạy trẻ bơi bằng cách đá
Đứng đối mặt với trẻ, giữ cánh tay của bạn ra trước mặt. Sau đó bắt đầu đi bộ về phía sau, yêu cầu trẻ đá chân khi bạn di chuyển. Các dấu hiệu bằng lời nói như "đá, đá, đá, đá" có thể giúp trẻ nhớ chuyển động này.
Hướng dẫn trẻ cách thở
Hướng dẫn trẻ cách nâng và hạ đầu dưới nước để có thể bơi được xa hơn. Hãy để trẻ hạ đầu xuống nước từ 2-3 giây trước khi ngoi lên. Bạn có thể tăng dần thời gian khi trẻ đã quen. Trong trường hợp trẻ vẫn có cảm giác sợ hãi, hãy thực hiện trước cho trẻ xem và không quên mỉm cười khi hoàn thành để trấn an trẻ.
Tập cho trẻ thổi bóng dưới nước
Cho trẻ úp mặt xuống nước, yêu cầu trẻ thở ra để tạo những quả bóng nhỏ. Tập dần dà cho đến khi trẻ quen và có thể giữ mặt dưới nước lâu hơn.
Cho phép trẻ tự bơi với áo phao
Tại thời điểm này, trẻ đã có tất cả các kỹ năng cơ bản cần thiết để bắt đầu bơi. Vì vậy, hãy để trẻ có cơ hội thực hành những kỹ năng đã học với một chiếc ao phao. Tuy nhiên, bố mẹ đừng rời mắt khỏi trẻ nhé.
Trên 4 tuổi
Thể chất và trí óc của trẻ trên 4 tuổi đã đủ để trẻ học những kỹ năng phức tạp hơn. Để cho trẻ học bơi tốt nhất, phụ huynh nên cho trẻ tham dự các lớp học bơi do các huấn luyện viên bơi lội hướng dẫn tại các hồ bơi hay nhà văn hóa dành riêng cho các em.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần lưu ý những điều sau khi dạy bơi cho trẻ:
- Luôn ở cạnh trẻ khi tập bơi (trên cạn, dưới nước).
- Không tập bơi khi trời lạnh, giông bão.
- Không tập bơi khi bé không khỏe (cảm, ho, sốt, …).
- Dùng nước sạch/Chọn bể bơi sạch.
- Khởi động tốt, cho bé uống đủ nước.
- Nên có quần áo, mũ, kính bơi, nút tai (tùy lứa tuổi).
- Thời gian xuống nước tối đa mỗi lần là 30-45 phút (tùy tuổi).
- Ủ ấm khi lên bờ, tránh gió lùa.
- Tuân thủ quy định của bể bơi, nơi tập.
- Tắm tráng cẩn thận, thay quần áo sạch, khô.
- Sấy tóc, thấm tai, nhỏ nước muối vào mắt, mũi, họng.
- Không xuống nước khi bé mới ăn no.