SỨC KHỎE » Chăm sóc sức khỏe

Loại cây được ví như 'nhân sâm của người nghèo' có công dụng tuyệt vời gì? Ai không nên sử dụng?

Thứ sáu, 12/01/2024 06:20

Đinh lăng là loại cây dược liệu quý được trồng phổ biến ở nước ta. Ngoài những tác dụng tuyệt vời, thì bên cạnh đó nó cũng có những kiêng kị mà không phải ai cũng sử dụng được.

Đinh lăng là cây gì?

Theo nhà khoa học, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, cây đinh lăng có tên gọi khác là cây gỏi cá, nam dương sâm. Tên khoa học của cây đinh lăng là Poliscias fruticosa Harms, thuộc Họ Nhân sâm - Araliaceae.

Cây được trồng phổ biến ở Việt Nam, Lào, Campuchia và ở các vùng nhiệt đới của Cựu lục địa. Cây thường được trồng trong các vườn gia đình và ở các đình chùa, có khi trồng làm hàng rào.

Lá đinh lăng mọc so le, lá 3 lần xẻ lông chim, mép khía răng cưa. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành tán. Quả dẹt, lá đinh lăng phơi khô, nấu lên có mùi thơm đặc trưng.

Cây đinh lăng được mọi người dùng để ăn như rau làm gia vị và chữa nhức đầu. Nhiều nơi thường lấy lá đinh lăng để nấu canh với thịt, cá để bồi bổ cho sản phụ, người già hoặc người ốm mới dậy.

Công dụng của cây đinh lăng với sức khoẻ

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, lá đinh lăng tính mát, vị hơi đắng, tác dụng tốt với việc giải độc, chống dị ứng, chữa táo bón... Với Tây y thì lá đinh lăng chứa những thành phần tốt cho sức khỏe như:

- Vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin B1 tốt cho hệ tim mạch, thị lực và hệ thần kinh. - Glucozit hỗ trợ tăng cường khả năng co bóp của tim và giảm thiểu lượng Na có trong tim. - Alcaloid hỗ trợ giảm đau và gây tê hiệu quả. - Flavonoid giúp ức chế chống lại các loại vi khuẩn có khả năng gây bệnh.

Các bài thuốc chữa bệnh từ cây đinh lăng

Theo lương y Bùi Đắc Sáng, thành phần hóa học và dinh dưỡng của đinh lăng như sau: trong củ chứa 0,3% glucozit, alcaloit, saponin, tanin, 13 loại axit amin và vitamin B1. Đặc biệt, trong cây đinh lăng một số hoạt chất mang tính năng gần giống như nhân sâm.

Các bộ phận cây đinh lăng

Các lá non thường được dùng ăn gỏi cá, gói với nem, làm gia vị ăn với thịt.

Củ, thân, lá khô dùng làm thuốc.

Lá đinh lăng: Bùi, đắng, thơm, hơi mát.

Rễ củ đinh lăng: ngọt, nhạt, hơi đắng, tính ấm, khi bào chế nên rút bỏ lõi.

Tác dụng cây đinh lăng

Lá đinh lăng: Lương huyết, giải độc, chống tanh hôi, lợi niệu, tiêu mẩn ngứa.

Rễ củ đinh lăng: Bổ đắng, thông huyết mạch, tiêu sưng viêm, giảm đau.

Chủ trị

Lá đinh lăng: Chữa dị ứng, ho ra máu, kiết lỵ.

Rễ củ đinh lăng: Cơ thể suy nhược, mệt mỏi, yếu sức.

Bài thuốc chữa bệnh từ cây đinh lăng:

Bồi bổ cơ thể, chống mệt mỏi

Lá đinh lăng tươi 150-200g, 200ml nước. Đun sôi 200ml nước, cho tất cả lá đinh lăng vào nồi, đậy nắp lại, sau vài phút, mở nắp và đảo qua đảo lại vài lần. Sau 5-7 phút, chắt ra, đổ tiếp thêm khoảng 200ml nước vào để nấu sôi lại nước thứ hai. Đun sôi tiếp, trộn hai nước với nhau, chia 2 lần uống trong ngày.

Bồi bổ cơ thể, tăng cường sinh lực

Vỏ rễ củ đinh lăng, ngâm rượu uống.

Tiêu thực, kích thích tiêu hóa

Vỏ rễ đinh lăng: 10g, 200ml nước. Bạn cần đun sôi nhỏ lửa còn 150ml chia 2-3 lần uống trong ngày.

Lợi sữa sau sinh

Vỏ rễ củ đinh lăng 20g, gừng tươi 3 lát. Đổ 500 ml nước sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn nóng, dùng liền 5 ngày.

Chữa tắc tia sữa

Rễ đinh lăng (bỏ lõi) 40g. Sắc uống.

Phòng chống đau dạ con với phụ nữ sau đẻ

Rễ (bỏ lõi), cành, lá, sắc uống thay trà.

Chữa mẩn ngứa, dị ứng, mày đay

Lá đinh lăng khô 80g. Đổ 500ml nước sắc còn 250ml, chia làm 2 lần uống, dùng liền 10 ngày.

Chữa ho, hen suyễn

Rễ đinh lăng (bỏ lõi) 10g, nghệ vàng 8g, bách bộ 8g, đậu săn 8g, vỏ rễ dâu (tang bạch bì) 8g, rau tần dày lá 8g, xương bồ 6g, gừng khô 4g. Đổ 800ml nước sắc còn 300ml, chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống lúc thuốc còn nóng. Mỗi liệu trình 10 ngày.

Hỗ trợ điều trị phong thấp

Rễ đinh lăng (bỏ lõi) 20g, rễ cỏ xước 8g, thiên niên kiện 8g, cối xay 8g, hà thủ ô chế 8g, huyết rồng 8g, trần bì 4g, quế chi 4g. Đổ 800ml nước sắc còn 300ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn nóng, dùng liền 10 ngày.

Chữa đau lưng do thay đổi thời tiết

Cành, lá đinh lăng 30g, rễ cây xấu hổ 15g, cúc tần 15g, cam thảo dây 15g. Tất cả cho vào ấm đổ 800ml nước sắc còn 300ml chia 3 lần uống trong ngày. Dùng liền 5 ngày.

Trên đây là những thông tin giúp bạn đọc tham khảo về tác dụng của cây đinh lăng. Theo các chuyên gia, không thể chắc chắn được việc kết hợp giữa bài thuốc từ lá đinh lăng với loại thuốc mà bạn đang sử dụng với mục đích nào đó có gây ra tương tác thuốc hay không. Vì thế, trước khi dùng dược liệu này bạn cần tham vấn kỹ ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Những người không nên sử dụng đinh lăng

Đinh lăng tuy tốt cho sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng được. Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, hiện không nhiều nghiên cứu về lợi ích sức khỏe của cây đinh lăng đối với phụ nữ đang mang thai và cho con bú, vì thế, cần thận trọng khi sử dụng.

Những người đang bị bệnh gan hoặc đang dùng thuốc điều trị các bệnh lý cũng cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ khi sử dụng đinh lăng với mục đích trị bệnh.

Trên đây là những tác dụng của cây đinh lăng đối với sức khoẻ cũng như những người không nên sử dụng đinh lăng. Nếu bạn thuộc nhóm những người trên hãy cân nhắc khi sử dụng loại cây này với mục đích chữa bệnh nhé.

T. Tâm (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)