Dầu ăn là thứ không thể thiếu trong căn bếp của mọi gia đình, nó là một nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho cơ thể, cung cấp các axit béo thiết yếu mà cơ thể không thể tự tổng hợp được như omega-3 và omega-6. Nếu sử dụng đúng cách, dầu ăn có thể mang lại một số lợi ích đối với sức khỏe như sau:
• Dầu ăn có thể cung cấp năng lượng cho cơ thể: Trung bình 1g dầu ăn có chứa 9 Kcal.
• Dầu ăn chính là dung môi để hòa tan các loại vitamin như vitamin A, D, E, K.
• Bổ sung dầu ăn cũng chính là cách cung cấp một số axit béo thiết yếu cho cơ thể, giúp da mịn màng, giảm nguy cơ viêm nhiễm, giúp cơ thể tăng trưởng và mang lại những lợi ích nhất định đối với các cơ quan sinh sản.
• Giúp các món ăn trở nên hấp dẫn hơn.
• Dầu ăn có thể lưu trữ lâu trong dạ dày nên có thể tạo cảm giác no lâu.
Có nhiều lợi ích là thế, tuy nhiên, các công dụng và lợi ích của dầu ăn có thể biến mất, thay vào đó là những tác hại nếu như chúng ta sử dụng dầu ăn sai cách. Đặc biệt là việc dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần.
Tác hại của dầu chiên đi chiên lại nhiều lần
Ở một số hàng quán, để tiết kiệm chi phí, nhiều người đã tái sử dụng dầu ăn rẻ tiền liên tục, tới lúc nó "đen không thấy đáy" nữa thì mới thôi. Đôi lúc chúng ta bận rộn phải ăn bên ngoài, vô tình ăn những món chiên bằng loại dầu ấy sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Theo các chuyên gia, trong dầu ăn chứa nhiều thành phần dinh dưỡng và các chất bảo quản, chất nhũ hóa... Các chất này sẽ biến đổi khi ở nhiệt độ cao và tạo thành các chất gây hại cho sức khoẻ.
Khi chiên lần 1, các chất dinh dưỡng trong dầu sẽ thấm vào thực phẩm và bắt đầu biến đổi 1 phần nhỏ, cho nên bạn sẽ thấy màu sắc của dầu ăn thay đổi sau khi chiên. Nếu tiếp tục dùng dầu này chiên lại thì nhiệt độ cao càng làm cho các chất này tiếp tục biến đổi, từ đó tạo ra nhiều chất độc hại như aldehyde và acrylamide.
Dầu chiên đi chiên lại nhiều lần - Loại dầu “cực độc” được nhiều hàng quán sử dụng thường xuyên, có thể gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm.
Dưới đây là một số tác hại của dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, tốt nhất ai cũng nên tránh xa:
- Gây viêm nhiễm trong cơ thể
Như đã đề cập, khi dầu ăn được đun nóng nhiều lần, nó trải qua các phản ứng hóa học phức tạp, hình thành các hợp chất như aldehyde và acrylamide. Những hợp chất này có tính chất gây viêm và có thể kích thích phản ứng viêm trong cơ thể khi tiêu thụ.
Đồng thời, quá trình này cũng tạo ra các gốc tự do - những phân tử không ổn định gây tổn thương tế bào và mô qua việc oxy hóa các thành phần tế bào. Quá trình oxy hóa này không chỉ làm suy yếu hệ miễn dịch, mà còn thúc đẩy sự phát triển của các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch và ung thư.
- Gây ung thư
Trong quá trình chiên, dầu ăn trải qua các phản ứng hóa học phức tạp, tạo ra các hợp chất như acrylamide và các sản phẩm oxy hóa lipid. Acrylamide là một chất được biết đến với khả năng gây đột biến gen, có liên quan mật thiết đến sự phát triển của các loại ung thư khác nhau.
Khi tiêu thụ thực phẩm chiên bằng dầu tái sử dụng nhiều lần, cơ thể hấp thụ những hợp chất này sẽ làm tăng nguy cơ hình thành các khối u ác tính. Vậy nên chúng ta cần phải tránh hết sức có thể, nhằm bảo vệ sức khỏe.
- Ảnh hưởng đến hệ thần kinh
Khi dầu ăn được đun nóng nhiều lần, các cấu trúc hóa học của dầu bị thay đổi, dẫn đến sự hình thành các hợp chất độc hại như aldehyde và các gốc tự do. Các aldehyde có khả năng gây tổn thương các tế bào thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng của não bộ và hệ thần kinh, góp phần vào các bệnh lý thần kinh như Alzheimer, Parkinson.
- Gây lão hóa sớm
Dầu chiên đi chiên lại sẽ chứa rất nhiều chất độc hại, khi đi vào cơ thể sẽ tăng sinh các gốc tự do. Chúng có khả năng tấn công và gây tổn thương các tế bào trong cơ thể. Khi các tế bào bị hư hại, quá trình phục hồi và tái tạo bị gián đoạn, dẫn đến hiện tượng lão hóa sớm, tăng sinh nếp nhăn, già nua trông thấy.
Cách sử dụng dầu ăn có lợi cho sức khỏe
Dầu ăn có thể giúp món ăn thêm hấp dẫn và mang lại những lợi ích sức khỏe nếu chúng ta sử dụng đúng cách. Ngược lại, nếu bạn sử dụng sai cách có thể dẫn đến những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng.
Thời điểm và nhiệt độ
Hai yếu tố thời điểm và nhiệt độ rất quan trọng để đảm bảo dầu ăn có lợi cho sức khỏe và giúp cho món ăn trở nên thơm ngon, hấp dẫn hơn. Trước tiên, bạn hãy làm nóng chảo và sau đó cho dầu vào, đun nóng dầu cho đến khi dầu sủi tăm thì có thể cho nguyên liệu vào.
Nhiệt độ để chiên rán thực phẩm nên ở trong khoảng từ 160 đến 180 độ C. Trong khi rán thức ăn, bạn nên chỉnh nhiệt độ ở mức ổn định, nhiệt độ cao quá sẽ không tốt nhưng nếu nhiệt độ thấp quá sẽ khiến cho dầu dễ bị ngấm vào món ăn khiến thức ăn không giòn và lâu chín hơn.
Lựa chọn những loại dầu ăn phù hợp với từng loại thực phẩm
Mỗi loại dầu ăn sẽ phù hợp với các loại thực phẩm và cách chế biến khác nhau, chính vì thế bạn cần trang bị kiến thức cơ bản để có thể chế biến những bữa ăn ngon, đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình. Cụ thể cần lưu ý như sau:
+ Đối với những món salad: Khi chế biến cần lựa chọn những loại dầu hương vị thanh dịu và có thể sử dụng ở nhiệt độ thường, chẳng hạn như dầu oliu.
+ Đối với các món xào, rán: Nên lựa chọn những loại dầu có khả năng chịu nhiệt tốt giúp cho món ăn mềm, ngon và đảm bảo dinh dưỡng.
+ Đối với các món chiên rán bạn cũng nên lựa chọn những loại dầu ăn có thể chịu được nhiệt độ cao để món ăn vừa đảm bảo sức khỏe lại vẫn đảm bảo độ giòn ngon, hấp dẫn vị giác. Khuyến cáo nên sử dụng thức ăn chế biến ở dạng hấp luộc, hạn chế sử dụng thức ăn xào, rán.
Không sử dụng dầu chiên lại nhiều lần
Nhiều bà nội trợ muốn tiết kiệm chi phí sinh hoạt nên có thói quen sử dụng dầu cũ để chiên lại nhiều lần. Tuy nhiên, đây là một thói quen gây hại cho sức khỏe và cần loại bỏ sớm.
Nếu bạn chiên đi chiên lại các loại dầu ăn, nhất là những loại dầu có khả năng chịu nhiệt kém thì có thể gây ra tình trạng dầu ăn bị oxy hóa. Tình trạng này khiến cho những chất dinh dưỡng trong thực phẩm chẳng hạn như các loại vitamin và các axit béo Omega 3-6-9 sẽ bị phá hủy, đồng thời tạo ra những chất độc hại cho cơ thể, gây ra nhiều loại bệnh tật, như bệnh ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường,... Hơn nữa, dầu ăn đã chiên lại nhiều lần sẽ khiến cho món ăn không còn hấp dẫn.