Tại sao người già ngại vào viện dưỡng lão?
Đầu tiên, nó bị ảnh hưởng bởi các quan niệm truyền thống. Quan niệm truyền thống cho rằng gia đình và lòng hiếu thảo đi đôi với nhau. Người già chỉ có thể hạnh phúc nếu được sống cùng con cái và cùng chung sống nhiều thế hệ dưới một mái nhà. Chỉ những gia đình không có con cái hoặc con cái không hiếu thảo mới gửi người già vào viện dưỡng lão.
Thứ hai là hiểu lầm về viện dưỡng lão. Hầu hết người già không tin tưởng vào viện dưỡng lão. Họ cho rằng thức ăn, nhà ở và môi trường nghèo nàn, thậm chí họ có thể nghĩ rằng ở trong viện dưỡng lão là chờ chết.
Người già ngại vào viện dưỡng lão vì nhiều lý do
Vấn đề thứ ba là chi phí của viện dưỡng lão. Nói chung, chi phí hàng tháng của các viện dưỡng lão không hề thấp, số tiền này thậm chí còn lớn hơn lương hưu mà nhiều người cao tuổi nhận được. Nhiều người già không có đủ khả năng chi trả cho chi phí sinh hoạt ở các viện dưỡng lão.
Tương tự như vậy, việc thuê người giúp việc chuyên nghiệp tới nhà chăm sóc người già cũng có khá nhiều bất cập. Nếu muốn thuê 1 người chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, đã được đào tạo các kiến thức về dinh dưỡng, tâm lý, bệnh tật... thì số tiền mỗi tháng là rất cao và không phải gia đình nào cũng có thể chi trả được.
Không ít người cao tuổi cũng không muốn ở cùng con cái khi về già. Khoảng cách thế hệ, sức ảnh hưởng của công việc, đồng tiền... dễ khiến họ nảy sinh những mâu thuẫn khác nhau. Có lẽ vì lý do đó nên nhiều người lớn tuổi vẫn sống một mình và bị bệnh tật, tuổi tác đe dọa vì không có ai ở cạnh chăm sóc. Thế nhưng hiện nay đang rộ lên một trào lưu dưỡng già khác, vừa tiết kiệm chi phí vừa không ảnh hưởng tới con cái hay họ hàng. Đây được gọi là kiểu "sống chung liên thế hệ".
Một minh chứng cụ thể cho lối sống độc đáo này chính là bà Lý, năm nay 76 tuổi. Sau khi trượt ngã và xương khớp yếu đi, sức khỏe của cụ bà này yếu hơn hẳn so với trước kia. Vì con cái đều làm ăn ở nơi xa nên bà vẫn sống một mình mặc dù sức khỏe không hề ổn. Vốn có một căn nhà rộng rãi, 2 tầng và có tới 2 phòng ngủ mỗi tầng, bà Lý nảy ra ý định cho thuê với giá rẻ, đổi lại người thuê nhà sẽ chăm sóc, để mắt đến bà hàng ngày.
Bà Lý là một ví dụ điển hình cho kiểu "sống chung liên thế hệ"
Người tới thuê nhà của bà Lý là một người phụ nữ năm nay gần 30 tuổi. Người này sinh sống và làm việc trên thành phố nên phải thuê một chỗ ổn định, tiện đi làm. Nhiệm vụ của người thuê nhà này là phải nấu cơm cho chủ nhà 2 bữa/ngày, dọn dẹp nhà cửa cơ bản. Điều quan trọng nhất là nếu bà Lý có những dấu hiệu sức khỏe suy giảm thì người phụ nữ này phải để mắt tới bà kỹ hơn. Sau một năm chung sống và đôi bên cùng có lợi, bà Lý coi người phụ nữ này như con cháu trong nhà, có sự tin tưởng nhất định dành cho cô.
Cách dưỡng già này không khiến người già tốn kém quá nhiều tiền bạc. Thay vì cho thuê nhà với giá cao, bà Lý chỉ thu ở người phụ nữ gần 30 tuổi một chút tiền mà vẫn được chăm sóc kỹ lưỡng.
Không chỉ bà Lý, đây còn là câu chuyện của rất nhiều người. Họ có mong muốn tìm được một người chăm sóc, quan tâm tới mình và sống cùng nhà nhưng không cần tốn nhiều chi phí. Trong trường hợp người già đột nhiên ngã bệnh, con cái họ cũng không phải lo lắng quá nhiều vì đã có người sống chung.
Tuy nhiên, trên thực tế phương pháp dưỡng già "sống chung liên thế hệ" cũng có khá nhiều thách thức. Những người cao tuổi cần tìm được người sống chung đáng tin cậy, tính cách dễ gần, biết cảm thông và thấu hiểu cho người khác. Cách tốt nhất để người già có thể tìm được một người sống chung hoàn hảo là được người quen giới thiệu hoặc biết rõ thông tin về người sẽ sống cùng mình.
Người lớn tuổi cũng cần biết cách cư xử hợp lý đối với người sống chung. Mỗi cụ ông, cụ bà cần từ bỏ lối sống thích nhờ vả, ích kỷ, gây áp lực cho người khác. Có như vậy họ mới duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với người chăm sóc mình.