Công dụng của lá dong
Lá dong thường được sử dụng để gói bánh chưng, bánh tét, rất phổ biến vào mỗi dịp Tết đến. Loại cây này thường mọc trong rừng, cũng có loại được trồng trong vườn nhà. Lá dong rừng có màu xanh đậm, phiến lá to hơn. Còn lá dong vườn sẽ nhỏ, lá mềm mại và có màu xanh nhạt hơn so với loại lá lấy trong rừng. Với cách giải rượu bằng lá dong, bạn có thể sử dụng lá dong rừng hay dong vườn đều được.
Theo Đông y, lá dong lại là một vị thuốc. Chúng có vị ngọt nhạt, tính hơi hàn. Loại lá này được sử dụng để thanh nhiệt, giải độc và làm mát máu. Ngoài ra, chúng còn được dùng để chữa rối loạn tiêu hóa, cầm máu và lợi tiểu. Lá dong cũng được sử dụng để giải rượu, bia khi say rất tốt.
Cách giải rượu bằng lá dong
Để giải rượu bằng lá dong, bạn cần chuẩn bị khoảng 100-200g lá dong tươi. Lá dong rửa sạch, để ráo nước. Bạn đem giã rồi vắt lấy nước cốt. Nếu có máy ép, máy xay sinh tố, bạn có thể dùng để ép lấy phần nước cốt. Nước ép lá dong có mùi thơm nhẹ, vị nhạt thanh. Nếu cảm thấy khó uống, bạn có thể pha loãng thêm với nước, cho thêm chút đường.
Một cốc nước ép lá dong có thể giúp đẩy lùi cơn say trong khoảng 20 phút. Đầu óc sẽ tỉnh táo ngay lập tức mà không có tác dụng phụ hay cảm giác khó chịu.
Một số cách giải rượu truyền thống
Hãm 5 gr trà búp cùng một quả quất thái nhỏ (có thể dùng mứt quất thay thế) bằng nước sôi, uống đặc.
Trà búp 9 gr, cà rốt 60 gr, vỏ bí xanh 15 gr, cho nước vào sắc uống.
Ăn một vài trái quýt, vài miếng dưa hấu hoặc uống ép quýt, vỏ dưa hấu. Những trái cây này giúp thanh nhiệt, giải độc, giảm say rất nhanh.
Rau má tươi 100 gr rửa sạch, giã lấy nước cốt, vắt vào 2 trái chanh, thêm chút muối, hòa thêm nước sôi để nguội và uống.
Lấy một quả chanh tươi vắt lấy nước uống hoặc thái mỏng, ăn luôn cả vỏ.
Lấy một nắm rau cần tây rửa sạch, xay nát cùng chút nước ấm và muối rồi lọc bỏ bã, lấy nước cốt uống từ từ.
Cho ít đậu xanh vào nồi cùng nước và chút muối, đun trên lửa nhỏ cho đến khi đậu nở mềm; uống nước, ăn cái.