SỨC KHỎE » Chăm sóc sức khỏe

Mối nguy đe dọa mẹ sau sinh

Thứ bảy, 13/12/2014 09:08

Sau sinh nở, chị em sẽ phải đối mặt với chứng bệnh trĩ, đau ngực, tác tia sữa... vô cùng khó chịu.

Sau khi thiên thần nhỏ đã chào đời, những tưởng hạnh phúc đã vẹn tròn nhưng không hẳn như thế bởi còn rất nhiều phiến tóa gây rốn sức khỏe cũng như cuộc sống của mẹ sau sinh.

Đau bụng dưới

Sau sinh, tử cung co hồi lại chỉ còn như quả bưởi, sờ thấy đáy tử cung ở rốn. Chỉ một tuần sau đã thu hồi bằng một nửa và tiếp một tuần nữa thì không còn sờ nắn thấy tử cung ở trên bụng. Sản phụ thường không cảm thấy đau. Nếu thấy đau, phải khám xem có viêm nhiễm không. Cụ thể, nhiễm trùng ở dạ con, viêm ruột thừa, viêm phần phụ, viêm đại tràng đều có thể gây đau bụng dưới.

Khi thấy tử cung co chậm, sản dịch hôi và sốt, bạn phải nghĩ tới viêm dạ con (niêm mạc) và xem xét có sót nhau không? Viêm dạ con, nếu để lâu rất nguy hiểm vì nó chuyển biến thànhthể nặng rất nhanh.

Sốt sau sinh

Nhiều sản phụ sau khi sinh 2-3 ngày có thể bị sốt trên 38 độ C hoặc ngược lại là bị lạnh liên tục. Tình trạng này thường là do viêm nhiễm trong tử cung dẫn đến sốt. Nếu không được xử lý kịp thời, bệnh có thể tiến triển nghiêm trọng, làm cho trạng thái toàn thân xấu đi, thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng máu. Khi sốt, sản phụ không nên lạm dụng thuốc hạ sốt mà nên đến bệnh viện kiểm tra.

Phương pháp phòng ngừa tình trạng này: Lúc xử lý vệ sinh dịch nhầy phải chú ý đảm bảo vệ sinh, hơn nữa phải chú ý giữ sạch sẽ vùng bên ngoài bộ phận sinh dục. Sau sinh, sản phụ cần nằm trên giường nghỉ ngơi, giữ ấm. Ngoài ra cần phải hấp thụ chất dinh dưỡng hợp lý, bảo đảm trạng thái toàn thân khoẻ mạnh.

Sau sinh nở, chị em sẽ phải đối mặt với chứng táo bón, đau ngực, tác tia sữa... vô cùng khó chịu. (ảnh minh họa)

Căng sữa và tắc tia sữa

Vài ngày sau khi sinh, vú cương to vì đã tiết sữa đầy đủ. Vú nóng, nặng cứng, có khi căng. Đây là hiện tượng bình thường. Cho trẻ bú ngay thì các hiện tượng trên sẽ hết. Nếu vì lý do gì đó mà trẻ không bú được thì cần vắt sữa hoặc cho trẻ khác bú.

Sữa trong vú nếu không ra ngoài được do tia sữa bị tắc nghẽn, do viêm đầu vú hoặc nứt kẽ đầu vú, sẽ rất nhanh chóng bị nhiễm khuẩn, dẫn đến viêm tuyến sữa, viêm ống dẫn sữa và cuối cùng là áp xe vú.

Để tránh áp xe vú, phải xử lý thật sớm tắc tia sữa, không để sữa bị ứ đọng trong vú. Hút bằng máy ít có tác dụng, vì dễ làm phù quanh các ống dẫn sữa ở đầu vú. Chườm nóng, xoa bóp, nhờ một đứa trẻ khỏe hơn, lớn hơn bú ngay từ lúc mới tắc là biện pháp tốt nhất. Nếu đã đỏ tấy một vùng trên vú thì chườm nóng và vắt sữa là biện pháp thích hợp nhất.

Đau vùng tầng sinh môn

Ở phụ nữ sinh con so, tầng sinh môn thường cần được cắt trước khi thai sổ đầu, hơn nữa vùng tầng sinh môn cũng có thể bị rách thêm nếu đầu thai to, hoặc do các cơ vùng tầng sinh môn kém giãn nở. Tuy nhiên do vùng này có nhiều mạch máu nên vết thương thường mau lành nếu không bị nhiễm trùng và được chăm sóc sạch sẽ.

Trong vài ngày đầu, sản phụ cũng cảm thấy hơi đau và khó chịu khi di chuyển, đi lại. Cần chú ý là vết cắt ở tầng sinh môn rất dễ bị nhiễm khuẩn. Khi thấy đau nhức, có cảm giác bị sưng nề, đau, ngứa, có mùi hôi và nhất là khi có dịch mủ thì phải báo ngay cho bác sĩ để được khám và xử trí ngay. Nếu đã xuất viện mà bị sốt hay viêm nặng thì nên đến bệnh viện ngay.

Sản giật sau sanh

Sản giật sau sanh là một biến chứng rất nguy hiểm đến tính mạng bà mẹ, biểu hiện của bệnh lý này là phù, đau đầu, buồn nôn, nôn, mờ mắt, ù tai, co giật, sau đó sẽ đi vào lơ mơ hoặc hôn mê. Nếu có một trong các triệu chứng trên cần phải đưa bà mẹ đến cơ sở y tế để cấp cứu.

Nhiễm trùng tiểu

Nếu chuyển dạ kéo dài hay sanh khó có thể bị bí tiểu sau sanh, các bà mẹ hãy chườm nóng hoặc xoa vùng bụng dưới. Trường hợp bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu sau sanh thì sẽ có triệu chứng đái buốt, đái lắt nhắt nhiều lần, khi ấy bà mẹ phải đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Chứng rụng tóc sau sinh

Hay gặp tình trạng rụng tóc trong những tháng đầu sau sinh, chắc hẳn bạn sẽ rất lo lắng mỗi khi chải tóc hoặc gội đầu, vì bạn phát hiện bị rụng cả một nắm tóc.

Thông thường, không cần thiết phải điều trị tích cực nhưng bà mẹ cũng nên chải tóc nhẹ nhàng và cẩn thận vào buổi sáng để tóc rụng vào một thời điểm và giảm số lượng tóc rụng trong ngày. Bạn hãy đừng quá lo vì thông thường lượng tóc mất đi thường sẽ mọc lại trong khoảng 2 đến 6 tháng sau.

Tóc rụng sau sinh là triệu chứng phổ biến. (ảnh minh họa)

Bệnh trĩ

Trong thời kỳ mang thai, nếu sản phụ mắc bệnh trĩ, sau khi sinh thường tình trạng sẽ xấu hơn. Vì lúc đẻ phải dùng sức rặn rất mạnh nên bệnh càng trầm trọng hơn.

Trĩ thường sưng to hơn sau khi đẻ 2 – 3 tuần, có khi rất đau, chính vì sợ đau nên bà mẹ có buồn đại tiện cũng cố nhịn, dẫn tới bị táo bón thường xuyên, điều đó lại làm cho trĩ lại càng nặng hơn, hình thành vòng lẩn quẩn.

Ngoài điều trị dùng thuốc và thuốc bơm hậu môn cho mềm phân thì sản phụ còn cần phải chú ý đến ăn uống, không để bị táo bón nặng hơn. Để tránh táo bón, bà mẹ nên ăn nhiều loại canh rau, trái cây và uống nhiều nước (ít nhất 2 lít nước/ngày). Muốn có nhiều sữa thì nên uống sữa hay uống nhiều nước trước mỗi lần cho bé bú.

Rối loạn tiết niệu

Bí tiểu: Sản phụ không tiểu tiện được vì thành trước âm đạo bị sang chấn khi sinh, hoặc bị chấn thương làm niệu đạo bị gấp lại , co khi cơ vòng cổ bàng quang bị thít chặt. Sản phụ bị bí tiểu, bụng dưới to, có cảm giác đau tức do bàng quang đầy và căng vì nước tiểu.

Tiểu không kiểm soát: Có thể do các nguyên nhân sau:

Dò bàng quang âm đạo: Do thành trước âm đạo bị rách sau khi phải dùng kềm (forceps) hay phải giác hút để kéo thai ra. Trong tình trạng này cần báo BS chuyên khoa ngay.

Do cổ bàng quang bị tổn thương, cơ thắt ở cổ bàng quang không hoạt động được tốt sau khi sinh. Tổn thương này thường tạm thời và không kéo dài.

Đau đầu, nặng đầu

Sau sinh, người thiếu máu, huyết áp cao, người dùng thuốc tê phẫu thuật, người lao động quá nặng nhọc có thể dẫn tới đau đầu hoặc nặng đầu. Nếu ngủ đủ, triệu chứng có thể giảm nhẹ. Nếu thấy đau nghiêm trọng cần hỏi ý kiến bác sĩ.

Chân tay tê

Sau khi sinh, sản phụ có thể bị phù hoặc thường xuyên mệt mỏi, có lúc còn xuất hiện triệu chứng chân tay tê, tay mỏi rã rời, chân nặng… những triệu chứng này mất dần cùng với sự phục hồi của cơ thể.

Xuất huyết muộn sau sinh

Nếu bạn thấy máu đỏ lại chảy ra vào ngày thứ hai, thứ ba hay muộn hơn sau khi sinh. Nguyên nhân chính là ở vùng nhau bám cổ tử cung co hồi kém, hoặc là do sót nhau. Trường hợp này phải báo với bác sĩ ngay để được dùng thuốc co tử cung mạnh và xoa bóp tử cung để cầm máu.

Nếu máu đỏ tươi chảy ra nhiều và bạn thấy mệt thì phải báo BS ngay dù là ban đêm.

Co cứng lưng, chân tay hay đau cơ

Vừa phải mang chiếc bụng to trong khi mang thai, lại vừa phải tiêu hao nhiều sức lực khi rặn sinh, nên sản phụ có thể có cảm giác bị đau cơ sau đẻ.

Trong thời gian hậu sản, nếu phải làm việc, di chuyển, hoạt động quá nhiều cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới đau lưng. Khoảng sau một hai tuần triệu chứng có thể giảm bớt, nếu đau lưng, đau cơ kéo dài thì nên hỏi ý kiến bác sĩ.

Theo Khampha.vn