Mẹ không nên lạm dụng các dụng cụ hút mũi
Mấy tháng gần đây bé Bông nhà chị Phương thường xuyên bị ho và chảy nước mũi. Buổi tối bé hay quấy khóc vì dịch mũi tràn xuống họng làm bé khó ngủ. Chị Phương thường dùng nước muối sinh lý để rửa mũi cho con, rửa xong chị dùng dụng cụ hút mũi hình ống một đầu chị đặt vào mũi bé, một đầu chị đặt vào miệng hút, cứ thế ngày hút 3-4 lần. Tuy bé Bông dễ thở hơn nhưng bên trong mũi bé có dấu hiệu đỏ, mỗi lần đụng vào là bé khóc. Đưa con đi khám, bác sĩ kết luận cháu bị viêm niêm mạc mũi.
Chị Lan (Thạch Thất - Hà Nội) cho biết bé Thỏ nhà chị đã 5 tháng tuổi, từ khi sinh ra lúc ngủ cháu hay thở khò khè. Khi thay đổi thời tiết là cháu bị nghẹt mũi, chảy nước mũi rất nhiều. Hằng ngày chị vẫn thường nhỏ nước muối sinh lý đều đặn cho bé Thỏ nhưng cháu luôn có nước mũi chảy ra, có khi bít kín lỗ mũi khiến bé không thở được, phải thở bằng miệng. Có người bạn đến nhà chơi và đã giới thiệu cho chị dùng dụng cụ hút mũi bằng ống nhựa. Tuy nhiên chị băn khoăn không biết việc sử dụng dụng cụ hút mũi cho con như vậy có ảnh hưởng gì tới sức khỏe của bé hay không?
Theo bác sĩ Lê Thị Phương Huệ (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, sổ mũi là bệnh thường gặp ở trẻ em, tuy không nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho bé. Tình trạng nghẹt mũi nếu không được giải quyết có thể làm cho trẻ khó chịu, ngủ không yên giấc, cơ thể không được phục hồi sức khỏe, thức dậy sẽ uể oải. Với trẻ đã đi học thì ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập. Với trẻ vài tháng tuổi thì nghẹt mũi ảnh hưởng nhiều hơn do tuổi này các bé thở chủ yếu bằng bụng, mũi lại rất nhỏ nên đôi khi chỉ vì nghẹt mũi đơn giản cũng có thể khiến trẻ khó thở, khò khè, bỏ bú, quấy khóc… Nếu càng kích thích (hút mũi) thì niêm mạc sẽ càng phù nề và hiện tượng khụt khịt sẽ càng nặng thêm, dần dần dẫn đến ngạt hoàn toàn kèm chảy dịch mũi gây nên viên niêm mạc mũi.
Những lưu ý khi sử dụng dụng cụ hút mũi cho con
Bác sĩ Huệ chia sẻ, việc sử dụng ống hút mũi là một sản phẩm hữu hiệu giúp các bé hay bị sổ mũi nghẹt mũi được thông mũi và thở thoải mái hơn. Nhưng mẹ hãy sử dụng ống hút mũi một cách thông minh. Đầu tiên, các mẹ hãy nhỏ (hoặc xịt) nước muối sinh lý vào mũi con để làm ẩm và lỏng các chất nhầy trước khi hút chúng ra.
Dụng cụ hút mũi thường có 2 loại. Một loại ống bóp cao su. Một loại nữa là ống hút mũi, 1 đầu cắm vào lỗ mũi em bé, một đầu đặt ở miệng mẹ. Những loại này cần nắm vững cách sử dụng trước khi dùng.
Mẹ để con nằm trên gối cao, hoặc để bé nằm nghiêng cho bé đỡ khó chịu, sau đó dùng chai nhỏ giọt hoặc bình xịt, xịt trực tiếp dung dịch vào mũi bé sau đó hút; lấy giấy/ khăn lau sạch đầu hút rồi tiếp tục với bên còn lại. Sau khi thao tác xong, bạn giữ con nằm nguyên tư thế đó khoảng 10 giây. Dòng nước muối sẽ sục đi tất cả đàm nhớt trong mũi, sau đó sẽ chảy xuống họng và gây phản xạ nhợn ói một chút. Những lần đầu bạn cứ để bé ói ra hết dịch mũi, những lần sau bé sẽ quen và không ói nữa. Mẹ nên hút mũi cho bé khi đói để hạn chế việc bé nôn ói.
Tuy nhiên, các mẹ nên lưu ý là không hút mũi cho bé nhiều hơn 3 hoặc 4 lần/ ngày, vì lực hút từ dụng cụ hút mũi sẽ làm kích ứng niêm mạc mũi của bé. Và không sử dụng nước muối hơn 4 ngày liên tiếp, vì theo thời gian, chúng có thể làm khô bên trong mũi và làm cho tình trạng viêm mũi tồi tệ hơn.
Trong quá trình sử dụng, các mẹ luôn luôn phải chú ý không được hút mũi cho bé quá mạnh mà phải hút nhẹ nhàng vì khi hút mạnh, mô mũi có thể bị viêm, có thể khiến tình trạng viêm mũi trở nên nặng hơn.
Việc vệ sinh dùng cụ hút mũi cho bé lại là điều vô cùng quan trọng, nếu mẹ không vệ sinh sạch sẽ, khi cho bé sử dụng mẹ sẽ làm mũi bé tiếp xúc với vô số vi khuẩn, khiến bé khó khỏi bệnh. Trước và sau khi sử dụng dụng cụ hút mũi, các mẹ đều phải vệ sinh một cách cẩn thận bằng cách dùng xà phòng và nước ấm, bạn cho 1 ít nước có xà phòng vào trong ống hút, lắc, bóp, xả ra, sau đó làm đi làm lại nhiều lần, khi rửa xong thì đặt chúng ở nơi khô thoáng. Khi ống hút đã khô, có thể cho vào lọ thủy tinh sạch, khô để cất.