SỨC KHỎE » Chăm sóc sức khỏe

Ngải cứu chữa được rất nhiều bệnh nhưng tác hại không ít nếu ăn sai cách, biết để bảo vệ sức khỏe gia đình

Chủ nhật, 18/06/2023 06:36

Ngải cứu vừa là rau vừa là vị thuốc đông y. Tuy nhiên, nếu dùng rau ngải cứu sai cách sẽ gây tác hại không nhỏ cho sức khỏe.

Tác dụng của rau ngải cứu

Ngải cứu còn có tên thuốc cứu, ngải diệp, nhả ngải (Tày), quá sú (Mông), cỏ linh li (Thái). Đây là cây thân thảo, sống lâu năm, lá mọc so le, chẻ lông chim, phiến men theo cuống đến tận gốc, dính vào thân như có bẹ, các thùy hình mác hẹp, đầu nhọn, mặt trên màu lục sậm, mặt dưới phủ đầy lông nhung màu trắng. Những lá ở ngọn có hoa không chẻ. Không chỉ được sử dụng làm thực phẩm, ngải cứu được sử dụng trong dân gian và Đông y để chữa bệnh.

Theo y học cổ truyền, ngải cứu có vị đắng, mùi thơm, tính ấm, được sử dụng để chữa trị trong các trường hợp cảm cúm, đau đầu, rối loạn tiền đình, phụ nữ kinh nguyệt không đều, ghẻ lở, viêm da, dị ứng, viêm gan, trừ giun, điều hòa khí huyết, ôn kinh, an thai, đau bụng do lạnh, nôn mửa, kiết lỵ…

Rau ngải cứu có nhiều tác dụng như chữa đau đầu, ghẻ lở, viêm da, dị ứng...

Có nhiều cách sử dụng rau ngải cứu khác nhau, tùy vào mục đích của người sử dụng, ngải cứu có thể sao khô để sử dụng lâu dài hoặc ăn trực tiếp ngải cứu tươi. Hoặc sử dụng ngải cứu để nấu các món ăn như trứng rán ngải cứu, trứng vịt lộn nấu cùng ngải cứu, ngải cứu nhúng lẩu, canh ngải cứu...

Có thể nấu nhiều món ăn ngon với rau ngải cứu.

Tác hại của rau ngải cứu nếu dùng sai cách

Không tốt cho người bị viêm gan

Trong ngải cứu có chứa tinh dầu với tác dụng điều trị nhiều bệnh nhưng cũng là thành phần chứa độc tính. Nếu người bị viêm gan ăn ngải cứu, khi đó dược chất đi vào gan sẽ gây ra rối loạn chuyển hóa của tế bào gan, dẫn tới viêm gan cấp tính do trúng độc và viêm gan vàng da, khiến cho gan to, nước tiểu đục, nước tiểu có lẫn dịch mật (chứng bệnh biliuria). Do đó người bị viêm gan nên tránh xa món này.

Không ăn trong 3 tháng đầu thai kỳ

Theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai thời kỳ 3 tháng đầu không nên dùng bất kỳ dược liệu nào, đặc biệt là ngải cứu. Tuy nhiên với một số trường hợp bị động thai có dấu hiệu ra máu, bạn có thể dùng ngải cứu bằng cách sao cháy, sau đó vẩy một chút nước vào cho hết hỏa độc và sắc lên uống. Tuy nhiên, cũng cần phải thận trọng khi uống, tốt nhất đi khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị đúng và kịp thời.

Phụ nữ 3 tháng đầu thai kỳ không được ăn ngải cứu.

Người bị rối loạn đường ruột cấp tính

Một trong những tác dụng nổi bật của ngải cứu đó là giúp cơ thể tăng việc đi tiểu, vì thế nó được xem là một vị thuốc nhuận tràng hiệu nghiệm. Thế nhưng, cũng do tác dụng này mà những người bị rối loạn đường ruột cấp tính cần phải tránh xa ngải cứu, nếu không bệnh tình sẽ khó kiểm soát và ngày một trầm trọng hơn.

Lưu ý: Chuyên gia khuyến cáo, tuy ngải cứu có nhiều tác dụng trong điều trị bệnh nhưng không nên dùng nhiều vì có thành phần độc tố. Khi dùng lá ngải cứu sắc uống thay trà, chỉ nên sử dụng khoảng 3 - 5g khô (9 - 15g tươi) và dùng theo từng đợt, khỏi bệnh thì ngừng.

Thùy Dương (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới