Nghệ sĩ Lê Bình vừa qua đời sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư phổi. Trước đó, khối u di ăn não đã khiến ông bị liệt nửa người.
"Sát thủ" từ thuốc lá
BS. Nguyễn Phương Anh - Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, 90% trong số 660.000 ca được chẩn đoán ung thư phổi hàng năm trên thế giới là người hút thuốc lá. Nguy cơ bị ung thư phổi của những người hút thuốc cao hơn gấp 10 lần so với những người không hút thuốc. Mức độ tăng nguy cơ khác nhau tuỳ theo loại tế bào ung thư.
Hút thuốc lá còn gây ra ung thư ở nhiều các phần khác như họng, thanh quản, thực quản, tuyến tuỵ, tử cung, cổ tử cung, thận, bàng quang, ruột và trực tràng. Tỷ lệ tử vong do các bệnh ung thư khác nhau của người hút thuốc cao gấp 2 lần người không hút thuốc và những người nghiện thuốc nặng có tỷ lệ chết vì ung thư gấp 4 lần so với người không hút.
Nghệ sĩ Lê Bình trong thời gian chống chọi với bạo bệnh
Chuyên gia BV Phổi Trung ương cũng chỉ rõ, các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có nguyên nhân phần lớn là do người bệnh có tiền sử hút thuốc lá. 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có nguyên nhân do hút thuốc lá. Đây là căn bệnh thường gặp, đặc trưng bởi tắc nghẽn đường thở, tiến triển nặng dần, liên quan tới phản ứng viêm bất thường của phổi bởi các phần tử và khí độc hại. Các đợt cấp và bệnh đồng mắc góp phần vào mức độ nặng ở mỗi bệnh nhân.
"Nếu nguy cơ bị chết vì COPD ở người không hút thuốc là 1 thì nguy cơ này tăng lên lần ở người nghiện nặng. Ngoài bệnh ung thư phổi, người hút thuốc có tỷ lệ ung thư miệng cao gấp 27 và ung thư thanh quản cao gấp 12 lần người không hút thuốc"- BS. Phương Anh cho hay.
69 chất gây ung thư trong khói thuốc, cai thuốc càng sớm càng tốt
Ước tính trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học và khoảng 69 chất gây ung thư. Hút thuốc lá có thể gây ra nhiều bệnh ung thư và các bệnh mạn tính. Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh, dù không trực tiếp hút thuốc nhưng ngửi khói thuốc lá hay còn gọi là hút thuốc thụ động có thể gây ra nhiều bệnh ở trẻ em (như: Khối u não, bệnh tai giữa, ung thư máu...) và nhiều bệnh ở người trưởng thành (như: Ung thư vú, ung thư phổi, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của phụ nữ, ung thư xoang mũi...).
WHO ước tính, thuốc lá hiện đang gây ra 7,1 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới, trong đó bao gồm 900.000 ca tử vong gây ra bởi các bệnh do hút thuốc lá thụ động.
"Người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên với trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với việc hút 5 điếu thuốc một ngày. Hút thuốc thụ động hàng năm gây ra 3.400 ca tử vong vì ung thư phổi và từ 22.700 đến 69.700 ca tử vong vì bệnh tim ở Mỹ (Cục Bảo vệ môi trường California)"- BS. Phương Anh thông tin.
Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên gấp 2-3 lần và nó còn tương tác với các yếu tố khác làm tăng nguy cơ lên gấp nhiều lần. Những bệnh mà người hút thuốc có nguy cơ mắc cao là xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, rối loạn nhịp tim, đột tử, nhồi máu cơ tim, phình động mạch chủ. Trong đó, bệnh mạch vành là phổ biến nhất, ước tính chiếm khoảng hơn một nửa trường hợp tử vong vì bệnh tim do hút thuốc.
Các chuyên gia nhấn mạnh, thuốc lá nguy hiểm giết người dưới mọi hình thức. Người hút thuốc chủ động, hút thuốc thụ động, bị ảnh hưởng bệnh tật lên toàn bộ cơ thể. Do đó, cần cai thuốc càng sớm càng tốt. Người dân nên tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, dù không trực tiếp hút thuốc nhưng việc gián tiếp hít phải khói thuốc cũng là nguyên nhân gây bệnh.
Bác sĩ cũng khuyến cáo người dân nên tránh xa không khí ô nhiễm, nên ăn uống lành mạnh và vận động thể chất để nâng cao hệ miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, có thể tầm soát ung thư phổi định kỳ, đặc biệt là người hút thuốc lá lâu năm, người trên 40 tuổi, người có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi… để phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời.
Việt Nam thuộc top các nước có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới
Tại Việt Nam, ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong do ung thư ở phụ nữ. Mỗi năm có hơn 20.000 người mắc bệnh ung thư phổi, trong đó có đến 17.000 người đã tử vong, 56 người mắc mới mỗi ngày.
Với tốc độ gia tăng người mắc như hiện nay, con số ấy có thể lên tới 34.000 người mỗi năm. Dự tính đến năm 2020, mỗi ngày sẽ có thêm 90 người mắc ung thư phổi.
Nguyên nhân phổ biến chính là do hút thuốc, bao gồm cả chủ động và thụ động. Ung thư phổi 90% do hút thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới với 56,1% ở nam giới và 1,8% ở nữ giới. Theo đó, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại Việt Nam rất cao, ước tính 67,6% người không hút thuốc bị phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà và 49,0% phơi nhiễm tại nơi làm việc.
Theo thống kê, 30% tỷ lệ mắc khối u phổi đều liên quan tới hút thuốc dài hạn. Ngoài ra, do các chất gây ung thư có thể hấp thụ dễ dàng qua phổi, dẫn đến tổn hại hệ thống, và do đó gây ra ung thư thanh quản, ung thư thực quản, ung thư miệng, ung thư bàng quang, ung thư thận, ung thư tuyến tụy.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến căn bệnh ung thư phổi là do ô nhiễm môi trường. Các dữ liệu cho thấy rằng ô nhiễm không khí là một trong những lý do nghiêm trọng gây ra ung thư phổi.