SỨC KHỎE » Chăm sóc sức khỏe

Ngừng sử dụng điện thoại bao lâu trước khi ngủ? Chuyên gia cho lời khuyên

Thứ hai, 03/07/2023 20:55

Nhiều người thường có thói quen sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ, tuy nhiên, nếu dùng điện thoại xong và đi ngủ luôn sẽ rất có hại cho sức khỏe.

Nên tắt màn hình, ngừng sử dụng điện thoại, máy tính trước khi ngủ bao lâu?

Theo các chuyên gia, chất lượng giấc ngủ đã được chứng minh là ảnh hưởng đến hiệu quả và tinh thần của một người. Những người bị mất ngủ thì khả năng tập trung và sự chú ý kém hơn. Tình trạng này khiến bạn bị mệt mỏi, phản xạ chậm và có tác động không tốt tơi sự phát triển trí não những ngày sau đó.

Các chuyên gia cho biết chất lượng giấc ngủ có nguy cơ giảm sút nếu bạn dành quá nhiều thời gian cho điện thoại, ipad và máy tính trước khi đi ngủ. Mọi người nên tắt tất cả các thiết bị điện tử và màn hình ít nhất 1 giờ trước khi đi ngủ. Điều này giúp bạn có giấc ngủ ngon và sâu giấc hơn.

Bạn nên tắt điện thoại 1-2 tiếng trước khi đi ngủ.

Ths. BS Hoàng Đình Hữu Hạnh (Đơn vị rối loạn giấc ngủ - khoa Thăm dò chức năng hô hấp, BV Đại học Y Dược TP. HCM) cho hay: "Trước khi ngủ, bạn có thể ngâm chân bằng nước ấm, không nên dùng điện thoại di động trong vòng 1 giờ trước khi ngủ. Đồng thời, bạn cũng không nên xem các chương trình truyền hình hoặc bộ phim gây cảm giác sợ hãi".

Nhà tâm lý học Richard Wiseman (ĐH Hertfordshire, Anh) cho biết việc ngủ ít hơn 7 tiếng/đêm sẽ gây ra một loạt vấn đề về sức khỏe, trong đó có đái tháo đường và ung thư.

Chuyên gia này cũng tiết lộ rằng: "Sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ người ngủ không đủ giấc xuất phát từ việc sử dụng smartphone, máy tính bảng và các thiết bị khác trong 1 - 2 giờ trên giường trước khi ngủ. GS. Wiseman cho hay: Ánh sáng xanh từ các thiết bị này ngăn chặn việc sản xuất hormone melatonin giúp ngủ ngon. Điều này dẫn tới sự khó khăn để đi vào giấc ngủ".

Do đó, ông khuyến cáo nên để điện thoại thông minh, máy tính bảng xa nơi ngủ. Đặc biệt nên tránh sử dụng chúng trong 2 giờ trước khi ngủ.

Tác hại của việc sử dụng điện thoại quá nhiều trước khi đi ngủ

Phá hủy giấc ngủ

Đây chính là tác hại khi sử dụng điện thoại trước khi ngủ khiến nhiều người cho qua. Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện thoại có bước sóng ngắn, làm ức chế não bộ và cản trở quá trình sản xuất của hormone melatonin gây buồn ngủ. Sự suy giảm hormone này sẽ khiến bạn khó đi vào giấc ngủ, khó có giấc ngủ sâu, rối loạn đồng hồ sinh học nên chất lượng giấc ngủ bị kém đi.

Cơ thể mệt mỏi và uể oải trong ngày hôm sau

Càng kéo dài tình trạng khó ngủ do dùng điện thoại trước khi ngủ càng dễ bị mất ngủ, kém tập trung, thiếu ngủ và kết quả là ngày hôm sau cơ thể luôn trong trạng thái thiếu sức sống, uể oải.

Bệnh trầm cảm

Nghiên cứu từ Thư viện Y học Quốc gia Mỹ chỉ ra rằng nồng độ Melatonin thấp dễ làm gia tăng trầm cảm và rối loạn cảm xúc. Nguyên nhân của tình trạng này là do bị mất ngủ triền miên khiến cho cơ thể và não bộ không nghỉ ngơi đầy đủ, cơ thể chịu áp lực căng thẳng lớn.

Tăng áp lực cho mắt

Đêm là thời điểm mắt được nghỉ ngơi sau ngày dài làm việc. Nếu lúc này xem điện thoại thì vô hình chung “cướp” đi khoảng nghỉ ngơi ấy và tạo thêm áp lực cho mắt. Việc dùng điện thoại trong bóng tối khiến mắt phải điều tiết nhiều hơn.

Mặt khác, ánh sáng xanh của màn hình điện thoại làm kích thích nhãn cầu. Kéo dài tình trạng này sẽ gây ra tác hại khi sử dụng điện thoại trước khi ngủ là suy giảm chức năng mắt, tắc nguy cơ giảm thị lực và tăng nhãn áp, nghiêm trọng hơn nữa có thể gây ra mù lòa.

Trí nhớ giảm sút

Tiếp xúc với tia bức xạ từ điện thoại từ 2 phút trở lên có thể làm mất khả năng phòng vệ của não, giảm trí nhớ và tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh.

Gây hại cho da

Điện thoại là vật được dùng ở mọi không gian, phải tiếp xúc với nhiều điều kiện môi trường khác nhau nên trên bề mặt của nó chứa rất nhiều vi khuẩn. Lượng vi khuẩn trên màn hình điện thoại thậm chí còn cao hơn trong nhà vệ sinh gấp nhiều lần. Quá trình dùng điện thoại sẽ khiến cho vi khuẩn từ màn hình theo tay bám lên da và gây ra các nốt mẩn đỏ.

Không những thế, quá trình dùng điện thoại trước khi ngủ diễn ra thường xuyên còn khiến cho bức xạ của điện thoại đẩy nhanh quá trình lão hóa da mặt, gây kích ứng da. Kết quả là da có các đốm sắc tố, dễ hình thành nếp nhăn nhiều hơn, lỗ chân lông to hơn, da sần sùi hơn.

Hội chứng Nomophobia

Đây là hội chứng ám ảnh vì không có điện thoại. Biểu hiện của hội chứng Nomophobia là: thường xuyên trong trạng thái lo lắng, lo sợ bị mất điện thoại, sợ không thể liên lạc được với người thân hay người khác không liên lạc được với mình,...

Ngoài những hệ lụy trên đây thì tác hại khi sử dụng điện thoại trước khi ngủ không thể xem thường nữa là tình trạng hormone Melatonin bị ức chế làm cho hệ miễn dịch suy giảm, gốc tự do phát triển từ đó tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như: ung thư gan, ung thư dạ dày,...

Thùy Dương (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới