SỨC KHỎE » Chăm sóc sức khỏe

Tại sao chỉ ở trong nhà vẫn bị nhiễm Covid-19? Đây là lý do và những gì bạn phải làm để bảo vệ bản thân và gia đình

Thứ tư, 25/08/2021 20:06

Biến thể Delta là một biến chủng của virus corona, có khả năng lây lan nhanh chóng. Nhiều người không ra đường, không tiếp xúc với người lạ, tuy nhiên dù ở nhà thực hiện giãn cách nhưng cũng không tránh khỏi được nguy cơ bị lây nhiễm từ người trung gian đưa virus về nhà.

Theo một dữ liệu thống kê tại Mỹ cho thấy, có khoảng 66% người nhập viện vì mắc covid là những người tuân thủ quy tắc phòng ngừa, ở nhà và không mạo hiểm ra ngoài. Mặc dù hiện nay mọi người hầu hết đều ở nhà, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những cơ hội dễ bị lây nhiễm như khi ra ngoài mua thực phẩm, thuốc men, đi xét nghiệm hay tiêm vắc xin.

Nhiều người thắc mắc tại sao chỉ ở trong nhà vẫn bị nhiễm Covid-19

Ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm có thể từ người chung nhà khi họ trở thành “vật trung gian” mang mầm bệnh từ bên ngoài về, hoặc lây nhiễm từ những vật phẩm được chuyển phát từ nơi khác đến không được sát trùng một cách cẩn thận và đúng cách.

Dưới đây là những nguồn lây và những gì bạn nên làm để bảo vệ bản thân và gia đình:

Đeo khẩu trang không đúng cách

Nhiều người vì tiếc nên không thường xuyên thay khẩu trang hoặc ra ngoài về không chịu bỏ khẩu trang cũng như bỏ không đúng cách, sau khi bỏ khẩu trang lại quên rửa tay lại. Một số người đeo khẩu trang nhưng chỉ che miệng nhưng không che kín phần mũi, nguy cơ lây nhiễm tương tự người không đeo khẩu trang.

Khắc phục: Khẩu trang chỉ phát huy tác dụng phòng dịch bệnh nếu được sử dụng đúng cách. Đeo khẩu trang sai cách không chỉ gây lãng phí tiền bạc, mà còn làm mất đi tác dụng bảo vệ, tăng nguy cơ lây bệnh. Vì vậy, chúng ta không nên tiếc một chiếc khẩu trang hoặc sử dụng khẩu trang không đúng cách mà làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Thang máy

Đối với những người sống ở chung cư, thang máy luôn là một trong những nguồn lây nhiễm Covid-19 đáng quan tâm. Dù bạn đeo khẩu trang, xịt khuẩn nhưng khi vào chung thang máy với người khác, bạn đã có nguy cơ lây nhiễm vì không gian thang máy bức bí và nhỏ.

Khắc phục: Hạn chế dùng thang máy đông người, và nếu có thể, hãy sử dụng thang bộ. Nếu như buộc phải sử dụng thang máy, thì không nên chạm, tựa lưng vào thành thang máy. Có thể sử dụng vật dụng như chìa khóa để bấm nút thang máy thay vì dùng tay.

Tiền mặt và điện thoại

Đây là 2 vật dụng chúng ta thường dùng nhưng hay quên xịt sát trùng. Điện thoại cầm tay là vật dụng trung gian dễ gây lây nhiễm nhất vì khi nghe điện thoại chúng ta thường xuyên áp vào mặt. Tổ chức y tế thế giới WHO từng lên tiếng cảnh báo, mọi người nên ngừng giao dịch bằng tiền mặt nếu có thể vì tiền giấy có thể là một nguồn lây nhiễm nCoV. Tiếp xúc tiền giấy không khác gì tiếp xúc với tay nắm cửa nơi công cộng - nguy cơ lây nhiễm cao.

Khắc phục: Bạn nên hạn chế tiếp xúc tối đa hoặc chỉ tiếp xúc khi tiền đã được khử khuẩn. Sau khi chạm tay lên bề mặt tiền, bạn phải tuyệt đối xịt sát trùng hoặc rửa tay với xà phòng khử khuẩn dù tiền giấy đó được khử khuẩn hay chưa.

Đi lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc-xin

Việc đi lấy mẫu xét nghệm hay tiêm vắc xin không đúng quy định của Bộ Y tế có thể làm lây nhiễm chéo. Do đó, dù không đi đâu nhưng nhiều người đến hẹn lịch tiêm vắc-xin, khi cần xét nghiệm Covid-19 vẫn cần phải đến khu vực yêu cầu, lấy mẫu xét nghiệm.

Giải pháp: Nhân viên y tế cần rửa tay nhanh trước khi lấy mẫu, thay găng sau lấy mẫu 5 người. Thực hiện lấy mẫu như lấy cho người thân của mình. Người dân đi lấy mẫu phải tuân thủ khoảng cách, khẩu trang và phải có ý kiến khi nhân viên y tế làm không đúng quy định.

Nhận hàng từ shipper

Nhiều người cho rằng mình không đi đâu, chỉ ở trong nhà nhưng thực tế thì vẫn có tiếp xúc với hàng hóa, với shipper. Dù chỉ thoáng chốc, không cần nói chuyện nhưng bạn cũng có khả năng lây nhiễm. Chưa kể, bạn còn cầm bưu phẩm vào trong nhà.

Giải pháp: Với shipper, nên giao hẹn trước, đặt hàng hóa ở vị trí trước nhà, nơi mình dễ dàng quan sát. Khi shipper bỏ hàng tại đó rồi rời đi hãy xuống lấy hàng. Khi xuống vẫn nên dùng khẩu trang, bê hàng vào nên xịt khuẩn, rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sau khi bê gói hàng vào và rửa tay sạch sau khi mở vật phẩm. Đối với thực phẩm, có thể rửa sạch dưới vòi nước chảy, hoặc ngâm vào dung dịch muối loãng và rửa sạch trước khi chế biến. Hạn chế mua thực phẩm chế biến sẵn trong giai đoạn này.

Quần áo, giày dép

Nhiều người dân chỉ chú trọng sát khuẩn bàn tay mà quên mất các vật dụng khác trên người như giày dép, quần áo. Giày dép là bề mặt dễ chứa virus và quần áo, đồ vật như túi xách, mũ… cũng vậy. Khẩu trang có thể bảo vệ khuôn mặt bạn nhưng virus vẫn bám vào quần áo, đồ trên người… Về nhà, nếu không khử khuẩn, bạn chạm tay vào quần áo, vật dụng và đưa lên mặt cũng sẽ gây ra nguy cơ lây nhiễm.

Giải pháp: Ngay khi ra ngoài về nhà, bạn nên sát khuẩn tay, tắm rửa và thay quần áo trước khi thực hiện các hoạt động khác.

Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới