1. Đau thắt lưng
Đau dữ dội hoặc đau nhói ở thắt lưng, dù có kèm theo nôn mửa, buồn nôn hay không cũng có nghĩa là bạn đang gặp vấn đề gì đó. Bạn có thể đang bị khó tiêu, ợ nóng, đau dạ dày hoặc ngộ độc thức ăn. Nếu bạn đang ở nửa sau của thai kì, những cơn đau này có thể là dấu hiệu của chứng tiền sản giật, một triệu chứng nghiêm trọng cần có sự thăm khám, điều trị của bác sĩ để xử lí kịp thời.
2. Đau phía bụng dưới
Những cơn đau mạnh mẽ về một phía hoặc cả hai phía bụng dưới cần phải được thăm khám bởi bác sĩ. Có thể bạn đã bị co giãn dây chằng, hiện tượng khá phổ biến ở bà bầu hoặc đó là dấu hiệu của sinh non, sảy thai, thai lệch vị trí, gãy nhau thai (nhau thai rời khỏi tử cung),...
3. Sốt
Nếu bạn bị sốt và nhiệt độ cơ thể trên mức 37.5 độ C mà không kèm theo triệu chứng cảm hoặc cúm, hãy liên lạc với bác sĩ ngay trong ngày.
Nếu thân nhiệt của bạn trên 39 độ C, hãy liên lạc với bác sĩ ngay lập tức. Bạn có thể đã bị nhiễm trùng. Bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc kháng sinh và yêu cầu bạn nghỉ ngơi. Nếu bạn bị sốt trên 39 độ kéo dài, điều này sẽ có thể gây hại lớn đến em bé.
4. Chuyển động của em bé trong bụng chậm lại
Nếu sau tuần thứ 21 của thai kì mà em bé ngừng chuyển động hoặc chuyển động chậm lại trong vòng hơn 24 giờ đồng hồ, điều đó có nghĩa là bạn bị suy thai. Khi để ý thấy em bé "quậy' ít hơn thường lệ, hãy đến gặp bác sĩ để có biện pháp xử lí kịp thời.
5.Thị lực giảm sút
Gọi ngay cho bác sĩ nếu bạn đang ở nửa sau của thai kì và gặp một trong các hiện tượng sau: mờ mắt, "nhìn một hóa hai", lóa mắt, hoa mắt, "đom đóm bay",... Tầm nhìn bị cản trở, thị lực giảm sút có thể là dấu hiệu của bệnh tiền sản giật.
6. Phù nề chân tay
Phù nề là hiện tượng rất phổ biến ở bà bầu vào những tháng cuối của thai kì. Trong hầu hết các trường hợp thì hiện tượng này không phải là vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu hiện tượng phù nề xuất hiện đột ngột và đi kèm với triệu chứng đau đầu hay thị lực suy giảm, rất có thể bạn đã mắc tiền sản giật.
7. Đau đầu kéo dài
Nếu cơn đau đầu nặng và kéo dài từ 2-3 tiếng đồng hồ, tầm nhìn suy giảm và phù nề nghiêm trọng, có thể bạn đã bị tiền sản giật. Nhưng khả năng này thường chỉ có thể xảy ra nếu bạn đang ở nửa sau của thai kì.
8. Bị ngã và bụng bầu bị va đập
Những cú ngã và va đập nhẹ thường không nguy hiểm lắm nhưng bạn nên gọi cho bác sĩ trong ngày hôm đó và tường thuật lại những gì đã xảy ra. Nếu bạn chỉ trượt chân trên bậc thang và làm thâm tím xương cụt, bạn không nên lo lắng vì em bé vẫn được bảo bọc trong tử cung và lớp màng ối.
Một số trường hợp hiếm gặp vẫn có thể xảy ra biến chứng. Nếu bạn nhận thấy những cơn co thắt tử cung, rò rỉ nước ối hay chảy máu ở bất cứ đâu, gọi cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
9. Chảy máu âm đạo
Chảy máu vài giọt hay chảy máu rất nhẹ ở âm đạo không kèm theo đau đớn khá phổ biến ở giai đoạn đầu của thai kì. Chảy máu âm đạo có thể là triệu chứng của sảy thai, thai lệch vị trí, sinh non, thai ngoài tử cung,...Không phải lúc nào nó cũng là dấu hiệu nguy hiểm nhưng bạn cần phải đến bệnh viện khám để có câu trả lời chính xác nhất. Trong thời gian chảy máu hãy mang băng vệ sinh để có thể theo dõi lượng máu bạn bị mất và ghi lại mô tả loại máu (màu sắc, trạng thái,...) để bác sĩ có thể chuẩn đoán chính xác nhất tình trạng mà bạn đang mắc phải. Tuyệt đối không được quan hệ tình dục trong khi bạn đang bị chảy máu.
10. Chỉ là "cảm giác không ổn"
Đơn giản là khi bạn không chắc chắn về một triệu chứng nào đó, cảm thấy không ổn trong người, hãy tin vào trực giác của mình và liên lạc với bác sĩ. Nếu có vấn đề gì đó, bạn sẽ được điều trị ngay, nếu không, bạn sẽ được về nhà trong thanh thản. Nên nhớ rằng khi mang thai, cơ thể bạn diễn ra sự thay đổi rất nhanh và rất khó để biết được liệu những gì bạn đang trải qua có phải là bình thường hay không, có gì đáng lo hay không. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ để có những điều tốt đẹp nhất cho bé yêu của bạn!