SỨC KHỎE » Chăm sóc sức khỏe

Những điều cấm kị trong cách xử lý kiến ba khoang

Thứ sáu, 03/04/2015 09:03

Thời gian gần đây, kiến ba khoang đã và đang có dấu hiệu xuất hiện trở lại, tấn công khá ồ ạt và đe dọa đến sức khỏe các gia đình.

Kiến ba khoang trở lại

Theo đó, loài côn trùng này đang gia tăng số lượng với cấp số nhân. Chúng đặc biệt xuất hiện nhiều ở các khu chung cư cao tầng, gần cánh đồng. Đã có không ít người đã bị loài côn trùng này tấn công gây nguy hại nghiêm trọng.

Khi gặp kiến ba khoang bò trên da, tuyệt đối không nên giết rồi chà sát trên da. Ảnh minh họa.

Theo phản ánh của báo Tiền Phong, gần đây nhiều trường hợp đã phải đến bệnh viện vì bị kiến ba khoang tấn công. Chẳng hạn chị Hiếu, 40 tuổi ở khu chung cư Mễ Trì cho biết: "Tôi ở tầng 8, hai tuần gần đây kiến ba khoang vào nhà rất nhiều, nhất là vào buổi tối. Cách đây 5 ngày, tôi bị kiến đốt vào môi chưa khỏi, đêm qua nằm ngủ lại bị bò lên mắt. Theo phản xạ, tôi lấy tay gạt ra thì thấy mắt bỏng rát. Dù đã lấy nước lạnh chườm nhưng một bên mắt vẫn sưng húp, không thể mở" - chị Hiếu kể lại.

Cùng cảnh ngộ với chị Hiếu, anh Dương, 38 tuổi ở Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội, bế con trai 2 tuổi đến khám tại BV Da liễu. Dù gia đình đã đóng tất cả cửa sổ, cửa ra vào khi nghe tin kiến ba khoang xuất hiện, nhưng chúng vẫn vào được nhà. Kết quả, hai bố con anh đều bị kiến đốt.

Chia sẻ trên tờ Chất lượng Việt Nam, PGS.TS Trương Xuân Lam - Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết kiến ba khoang xuất hiện thường xuyên trên cánh đồng lúa. Thức ăn của chúng chủ yếu là trứng sâu hại, rầy hại và một số loài sâu hại nhỏ. Bởi vậy. trên cánh đồng loài côn trùng này là loài bắt mồi có ích. Tuy nhiên với con người, do tập tính hướng sáng, khi thấy ánh điện, loài côn trùng này sẽ bay vào nhà và gây phiền nhiễu.

“Khi chúng bò lên người và tiếp xúc với da, theo phản xạ của loài bắt mồi, độc tính Pederin được tiết ra và trực tiếp thấm vào da, nhẹ thì sẽ làm da ngứa rát, nặng hơn thì sưng, phồng rộp, nhiễm trùng mưng mụt nước. Đặc biệt nếu độc tố dính vào mắt thì có thể gây bỏng mắt hoặc bị mù tạm thời”, ông Lam cảnh báo.

Vết loét trên da do dính nọc độc kiến ba khoang. Ảnh minh họa.

Những lưu ý

Báo Tiền Phong dẫn lời BS Nguyễn Văn Hưng của bệnh viện Da liễu cho hay, khi bị kiến ba khoang đốt, điều bạn nên làm là:

- Nếu thấy kiến bò trên da người, không nên đập giết để hạn chế chất độc lan rộng. Tốt nhất cần thổi nhẹ để kiến bay xuống đất và loại bỏ côn trùng này bằng cách dùng giấy ăn, găng tay.

- Nếu vô tình tiếp xúc với kiến ba khoang, bạn nên rửa sạch bằng nước lạnh hoặc nước muối loãng. Không rửa bằng nước xà phòng vì sẽ làm tăng kích ứng. Người bị đốt không được gãi hay chà xát mạnh vào vùng da tổn thương, nên bôi bằng hồ nước để làm dịu vết cắn. Nếu thấy da bị phồng rộp, bỏng, rát, bạn nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

- Tìm các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa về da liễu để điều trị, tránh xảy ra bị nhiễm trùng.

- Lưu ý vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, ngủ nằm màn, tắt bớt đèn điện không cần thiết vào buổi tối, có thể trồng những cây có tác dụng đuổi côn trùng như sả, dạ hương quanh khu vực sinh sống.

Chia sẻ thêm trên tờ Sức khỏe và đời sống về biện pháp phòng tránh kiến ba khoang, PGS Trương Xuân Lam cho biết thêm:

- Tắt bớt đèn, thổi gió để xua đuổi kiến ra khỏi nhà.

- Nếu đã tiếp xúc, tuyệt đối không đập chết hay chà xát kiến để hạn chế nọc độc lan rộng trên da.

- Ở các khu chung cư nên bố trí hệ thống đèn hợp lý: Chỗ xa nhà nên bố trí ánh đèn mạnh để thu hút côn trùng, càng đến gần nhà thì dùng ánh sáng dịu, đỏ, vàng…

Theo Khampha.vn