Vì sao chúng ta cười? Ở người, nơron chuyển tiếp chất dopamine (một hoạt chất trong não) chịu trách nhiệm cho phép bộ não tiến triển thông qua những giai đoạn vui nhộn. Dopamine cho phép chúng ta có tâm trạng tốt khi chúng ta cười. Và đương nhiên, khi não tiết ra hoạt chất dopamine cũng là lúc khiến người ta cười vui vẻ.
Nụ cười xưa nay vẫn được ví là “thang thuốc bổ”. Có hàng nghìn lí do các chuyên gia khuyên chúng ta nên cười mỗi ngày. Tuy nhiên không phải với ai, nụ cười cũng hoàn toàn có lợi.
Bệnh nhân hen
Kết quả một nghiên cứu mới đây ở Australia cho thấy, việc cười nhiều có tác động xấu tới 40% trong số 2 triệu người mắc bệnh hen ở nước này.
Các chuyên gia giải thích, người mắc bệnh hen nếu thường xuyên cười to sẽ khiến căn bệnh này trở thành mãn tính, nghĩa là họ sẽ phải chung sống với chứng bệnh này suốt đời..
Phụ nữ mang thai
Bác sĩ thường khuyên người mẹ khi mang thai phải giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, có như vậy đứa trẻ sinh ra mới luôn lạc quan, yêu đời. Tuy nhiên không phải vì thế mà các mẹ cứ cố gắng cười thật to, thật nhiều.
Hành vi cười to làm cho cơ bụng co thắt mạnh, ảnh hưởng đến thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc sinh non.
Đặc biệt, phụ nữ từng bị sảy thai được khuyến cáo là không nên cười to, cười nhiều, chỉ nên cười mỉm để giữ cho tinh thần luôn vui vẻ và tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
Bệnh nhân mới phẫu thuật ngực hoặc bụng
Người mới phẫu thuật vùng ngực hay ổ bụng không nên cười nhiều, cười to vì vết thương chưa lành có thể bị nứt ra ở chỗ vết chỉ khâu, dẫn đến lâu bình phục.
Phụ nữ sau khi sinh
Phụ nữ sau khi sinh thường phải khâu tầng sinh môn cũng không nên cười nhiều. Bởi cười nhiều có thể khiến vết khâu bị rách, gây đau đớn.
Người bị cao huyết áp
Khi trạng thái tinh thần của người bệnh cao huyết áp gia tăng hưng phấn thì huyết áp có thể tăng cao theo. Khi cười to, cười nhiều, huyết áp tăng cao đột ngột có thể dẫn đến xuất huyết não, thậm chí gây tử vong.
Người già và trẻ em khi đang ăn uống
Ở phần dưới họng của con người có khí quản và thực quản. Có một chiếc xương sụn được gọi là nắp thanh quản có tác dụng như nắp đậy, che đậy khí quản để thức ăn không lọt vào đường hô hấp. Khi chúng ta vừa ăn, vừa cười thì nắp thanh quản không kịp phản ứng trong việc đậy và mở. Nên thức ăn sẽ rơi vào đường khí quản, khiến chúng ta dễ bị sặc. Vấn đề này rất dễ xảy ra ở người già và trẻ em khi các cơ quan trong cơ thể còn yếu.