Sầu riêng có nguồn gốc từ Đông Nam Á, được thế giới phương Tây biết đến khoảng 600 năm. Vào thế kỷ 19, sầu riêng được mô tả như là "một món trứng sữa nồng hương vị hạnh nhân". Có thể ăn thịt quả ở các độ chín khác nhau, và được sử dụng để tạo hương vị cho nhiều loại món ngọt và món mặn trong ẩm thực Đông Nam Á. Hạt của sầu riêng cũng có thể ăn được sau khi nấu chín.
Công dụng của sầu riêng:
Về mặt dinh dưỡng, theo Tổ chức Lương nông Quốc tế (FAO), trong 100g phần ăn được của sầu riêng, có chứa các chất sau: nước 66,8g, protein 2,5g, glucid 28,3g, lipid 1,6g, tro 0,8g, các chất khoáng vi lượng: Ca 20mg, P 63mg, Fe 0,9 mg, K 601mg, muối Na 1mg; các vitamin: thiamin (B1) 0,027mg, riboflavin (B2) 0,29mg, niacin (B3) 1,2mg, acid ascorbic (C) 37mg, A 10 IU, cung cấp 124 calo.
Qua đó ta thấy hàm lượng protein, glucid, lipid, các chất khoáng và giá trị năng lượng của sầu riêng đều cao hơn rất nhiều so với các loại trái cây khác.
Người ta ghi nhận trái sầu riêng có tác dụng giúp tăng cường và phục hồi sức khỏe cho người ốm yếu, có ích cho cơ bắp, duy trì sự chắc khỏe của xương, giúp duy trì và điều hòa hoạt động của tuyến giáp, bảo vệ sự khỏe mạnh cho răng và lợi; cung cấp một nguồn chất béo thô có lợi cho cơ thể, giúp phòng tránh và giảm bớt chứng táo bón, giúp tiêu hóa tốt và làm giảm bệnh đau nửa đầu.
Do chứa chất acid amin tryptophan cao, nên sầu riêng có tác dụng giúp giảm bớt trầm cảm, mất ngủ, tạo ra cảm giác thư thái cho con người bằng cách tăng mức độ serotonin trong não bộ, đẩy lùi tình trạng lo âu, chán nản. Sầu riêng còn giúp làm sạch máu và là một loại quả giúp kích thích hưng phấn tình dục mạnh mẽ. Hạt sầu riêng chứa nhiều tinh bột, protein và dầu, có thể đem nướng, luộc chín hoặc rang để ăn như hột mít. Tuy nhiên, ăn nhiều có thể gây ngạt thở. Người mang những bệnh sau không nên dùng sầu riêng: - Những người bệnh tiểu đường, cao huyết áp, đang bị các bệnh viêm nhiễm, suy thận, mụn nhọt, phụ nữ có thai, thì không nên dùng sầu riêng.
- Những người có tình trạng âm hư, nội nhiệt, với các triệu chứng: người gầy ốm, da khô, nóng bứt rứt, lòng bàn tay bàn chân ấm, khát nước, khó ngủ, đêm ngủ ra mồ hôi trộm, đi tiểu ít, nước tiểu vàng, đại tiện táo bón, di mộng tinh… cần hạn chế ăn sầu riêng.
- Những người tì vị yếu nếu ăn nhiều trái sầu riêng sẽ dễ gây đầy bụng, khó tiêu. Những người mập phì muốn giảm cân cũng nên hạn chế ăn sầu riêng.
Lưu ý khi ăn sầu riêng:
- Không nên ăn sầu riêng cùng lúc với các thức uống như cà phê hoặc các loại bia, rượu, cơm rượu, vì sẽ xuất hiện những rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, buồn nôn và hơi thở bị nặng mùi, cơ thể mệt mỏi, khó chịu. Ở những người bị cao huyết áp, có thể bị tình trạng nhức đầu, tim đập mạnh, nôn mửa, nặng hơn có thể bị đột quỵ, xuất huyết.
Nguyên nhân là do trong cơm sầu riêng chứa một lượng lớn chất dầu có nồng độ lưu huỳnh khá cao, gây ức chế hoạt động của men aldehyde dehydrogenase, dẫn đến 70% chất oxy hóa (antioxydant) trong tế bào không được chuyển hóa, gây ra tình trạng tích lũy acetaldehyde (của rượu) trong cơ thể, làm giảm khả năng thải trừ chất độc và từ đó gây độc cho cơ thể.
- Nếu chế biến sầu riêng làm món ăn thì nên tránh sử dụng chung với các gia vị cay nóng như tiêu, ớt, gừng, tỏi… vì chúng sẽ làm giảm hương vị của sầu riêng, lại kết hợp với tính nóng của sầu riêng, gây ra tình trạng nóng bứt rứt khó chịu trong người.