SỨC KHỎE » Chăm sóc sức khỏe

Những phiền toái mẹ bầu phải đối mặt trong thai kỳ

Thứ bảy, 03/05/2014 07:34

9 tháng 10 ngày mang thai, bạn sẽ đối mặt với những mệt mỏi, vất vả mà đôi khi bạn cảm thấy chúng thật phiền toái.

1. Cảm thấy mệt mỏi

Khi mang bầu, cơ thể làm việc nhiều hơn, hoạt động bơm máu trong cơ thể diễn ra nhanh chóng, cũng như tỷ lệ trao đổi các chất được tăng lên, vì thế bạn thường xuyên trong trạng thái mệt mỏi. Hãy nghỉ ngơi bất cứ khi nào có thể, đi ngủ sớm cũng khiến năng lượng của bạn được nạp nhanh chóng.

2. Đau ngực

Chỉ ngay vài tuần đầu tiên sau khi thụ thai, bầu ngực của bạn đã trở nên nhạy cảm hơn, rất dễ bị tức và đau. Hãy chọn một chiếc áo ngực thoải mái, không gọng sẽ giúp bạn cải thiện rất nhiều. Bạn cũng cần sớm mua những chiếc áo ngực cỡ lớn vì bầu ngực sẽ ngày càng to hơn.

3. Đái rắt 

Khi mang thai, do tử cung đè lên trên bọng đái nên bạn sẽ có cảm giác mót đi tiểu thường xuyên. Triệu chứng này sẽ thuyên giảm trong các tháng giữa của thai kỳ.

Nếu bạn phải thức dậy ban đêm để đi tiểu thì về chiều hãy cố uống ít nước. Bạn nên đi bác sĩ khám nếu bạn thấy rát buốt mỗi khi đi tiểu vì có thể bạn đã bị nhiễm trùng đường tiết niệu.

4. Chuột rút

Hiện tượng này thường xảy ra vào ban đêm trong những tháng cuối thai kì. Nguyên nhân có thể do lượng estrogen tăng cao. Mát-xa bắp chân hoặc kéo dãn các cơ bắp bằng cách uốn cong chân sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề. Ngoài ra, uống nhiều sữa, bổ sung can-xi có thể giúp bạn hạn chế tình trạng này. 

5. Chân bị phù

Tĩnh mạch chân bị phình to và chân giữ nước là nguyên nhân của triệu chứng này. Nên chọn giày đế bằng là lời khuyên dành cho bạn. Ngoài ra, nếu bạn đứng quá lâu cũng gây ra hiện tượng này. Hãy thường xuyên di chuyển để máu được lưu thông ở phần bắp chân. 

Nếu khuôn mặt, bàn tay hoặc bàn chân của bà bầu bị sưng bất thường thì hãy đến gặp bác sỹ ngay. Bởi đây có thể là triệu chứng của tiền sản giật - bị gây ra bởi sự tăng huyết áp.

6. Đau đầu

Hiện tượng này có thể kéo dài một vài tuần đầu thai kì và biến mất. Hãy nhờ chồng mát-xa cổ nhẹ nhàng cho bạn hoặc thử dùng một túi nước đá chườm mát trên trán, nó có thể giúp bạn đỡ hơn. Không nên dùng thuốc aspirin hoặc các thuốc giảm đau khác, trừ khi có hướng dẫn của bác sỹ. Nếu bạn bị đau đầu vào những tháng cuối thai kì thì cần đi khám vì đó có thể là dấu hiệu của tiền sản giật.

7. Da khô, ngứa và những vết rạn da

Đó là tình trạng chung của các bà bầu. Lời khuyên là hãy chọn các loại kem dưỡng da và dầu tắm có nhiều chất dưỡng ẩm, đồng thời, bạn nên đầu tư vào một loại kem chống rạn tốt. 

Tuy nhiên, có một lưu ý là nếu bạn bị ngứa toàn thân trong 4 tháng cuối thai kì hoặc bị ngứa ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân, đó có thể là dấu hiệu của ứ mật sản khoa - một chứng rối loạn gan nghiêm trọng có thể phát triển trong thời kì mang thai. Nếu có triệu chứng này, bạn hãy đến gặp bác sỹ.

8. Táo bón và trĩ

Nồng độ progesterone tăng cao và em bé ngày càng lớn ép vào cơ thể người mẹ khiến đường ruột bị ảnh hưởng và làm việc chậm chạp hơn, do đó dễ gây ra táo bón và trĩ. Ăn nhiều trái cây, rau và uống nhiều nước sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề táo bón. Nặng hơn, nếu bạn bị trĩ, hãy liên hệ ngay với bác sỹ.

9. Ợ nóng

Hiện tượng này rất phổ biến vào cuối thai kì. Các hormone progesterone làm giãn van ở phía trên dạ dày của bạn, cho phép một lượng nhỏ axit dạ dày tăng lên, đi vào thực quản, gây ra đau và nóng rát. Không nên ăn những đồ gia vị cay nóng, các chất béo, thức ăn chiên xào; ăn chính vào bữa trưa và không uống chất có ga, nhất là trong khi ăn. Bạn cũng có thể liên hệ với bác sỹ để kê cho mình một số loại thuốc chống lại hiện tượng này.

10. Khó thở

Vào thời kỳ cuối của thai kỳ, đứa bé ép lên cơ hoành làm bạn khó thở. Thường thì điều này sẽ giảm đi nhiều khoảng một tháng trước khi sinh, khi đầu đứa bé lọt qua xương chậu. Thiếu máu cũng có thể làm cho bạn khó thở. Hãy thử ngồi chồm hỗm nếu quanh bạn không có ghế mà khi đó bạn lại đang cảm thấy khó thở. Buổi tối lúc đi ngủ bạn hãy kê thêm một cái gối. Nếu chứng khó thở này nghiêm trọng, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ.

11. Chảy máu cam

Lượng máu tăng lên trong thời gian thai kì có thể khiến các mạch máu bị quá tải và dễ vỡ, nhất là vùng mũi. Hiện tượng chảy máu cam rất dễ xảy ra khi bạn bị cảm lạnh, dị ứng hoặc khi thời tiết khô. Bạn cần uống nhiều nước và không nên nhịn hắt hơi.

12. Chảy máu nướu răng

Đây là dấu hiệu của bệnh viêm lợi. Nguyên nhân do nồng độ  progesterone tăng cao hơn, làm nướu răng trở nên nhạy cảm hơn với vi khuẩn và mảng bám trong miệng. Bạn hãy đánh răng nhẹ nhàng, sau mỗi bữa ăn hoặc ít nhất là 2 lần/ngày. 

13. Tiêu chảy

Theo bác sĩ Dung thì trong thời kỳ mang thai, phụ nữ rất nhạy cảm, dễ bị vi khuẩn, virus tấn công. Các loại vi khuẩn, virus này có thể có trong thức ăn, nước uống, môi trường không khí. Ngoài ra, cơ thể không thích ứng với sữa bầu cũng là một nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy. Tiêu chảy kéo dài dẫn đến tình trạng rối loạn nhu động ruột, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của phụ nữ mang thai.

Phụ nữ đang mang thai khi mắc tiêu chảy thường bị nặng hơn các trường hợp bình thường và mức độ nguy hiểm cũng cao hơn. Bệnh tiêu chảy không những gây hại đối với cơ thể mẹ như mất nước, mệt mỏi, suy nhược…  mà còn ảnh hưởng cả đến thai nhi. Trong trường hợp người mẹ bị tiêu chảy cấp, thai nhi cũng có thể bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển và nặng hơn nữa có thể làm thai chết trong bụng mẹ.

phunutoday
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới