SỨC KHỎE » Chăm sóc sức khỏe

Phòng bệnh men gan cao - căn bệnh diễn biến âm thầm

Thứ sáu, 21/03/2014 13:31

Men gan cao là căn bệnh diễn biến âm thầm nên nhiều người cho là không nguy hiểm đến tính mạng thường không đi khám. Tuy nhiên, đây lại là bệnh khó điều trị dứt điểm.

Nhiều người chỉ quan về bệnh men gan cao

Men gan là một loại enzyme nằm trong tế bào gan, tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể. Men gan tăng (men gan cao) là biểu hiện bất thường  đầu tiên về sinh hóa ở bệnh nhân viêm gan virus, viêm gan do thuốc và viêm gan tự miễn.

Anh Hà Trung, 35 tuổi (Đông Anh – Hà Nội) cho biết mình đã bị men gan cao cách đây 5 trong một lần đi kiểm tra sức khỏe do công ty tổ chức. Trước đây mình cũng coi thường sức khỏe lắm ham nhậu nhẹt bạn bè, ăn uống không kiêng cữ nên mình tăng cân nhanh từ 65kg lên 80kg trong một thời gian ngắn. Sau khi phát hiện mình có chỉ số men gan cao bác sĩ khuyên nên hạn chế hoặc không dùng những đồ uống chứa chất cồn như bia rượu. Từ đó trở đi mỗi lẫn nhậu nhẹt ở cơ quan hay bạn bè mình không dám uống.

Theo Thạc sĩ – bác sĩ Lê Thị Phương Huệ, Bệnh viện Thanh Nhàn, những người mà có dấu hiệu bị men gan mà khi sử dụng bia rượu nhiều thì khi vào cơ thể, gan sẽ phải  làm việc “xử lý” lượng chất cồn và đào thải chúng ra ngoài. Nhưng khi gan yếu hoặc lượng chất cồn quá nhiều thì điều ngược lại sẽ xảy ra, chất cồn sẽ “xử lý” gan, phá hủy tế bào gan. Do đó, trong cuộc sống hàng ngày, bạn nên hạn chế uống bia rượu để bảo vệ lá gan. Đặc biệt khi gan bị viêm, men gan cao, người bệnh cần phải kiêng tuyệt đối bia rượu để giúp gan hồi phục nhanh.

Khi đã biết mình bị tăng men gan, bạn nên giữ gìn sức khỏe, tránh làm việc quá sức, cần điều chỉnh chế độ ăn uống và bước kế tiếp là phải đi khám bác sĩ chuyên khoa về bệnh gan mật để được xác định rõ bệnh và điều trị kịp thời, tránh được sớm những biến chứng nguy hiểm như: xơ gan, ung thư gan…

Men gan cao là căn bệnh diễn biến âm thầm nên nhiều người cho là không nguy hiểm đến tính mạng thường không đi khám. Ảnh minh họa

Còn chị Hạnh, 40 tuổi (Phủ Lý – Hà Nam) cho biết, dù  không uống bia rượu nhưng chị vẫn mắc bệnh men gan cao. Chị kể trước khi thấy trong người mệt mỏi, da vàng lúc nào trong người thấy nóng ruột ăn không biết ngon, người gầy sụt cân. Chị nghĩ nguyên nhân do làm việc nhiều nên chủ quan không đi khám. Đợt đưa con đi thi đại học, cậu em trai chị thấy chị gái dạo này sức khỏe gầy cho đi kiểm tra làm các xét nghiệm máu thì bác sĩ cho biết chị bị viêm gan B kèm theo men gan cao gấp 2 lần so với bình thường. Nên phải dùng thuốc điều trị một thời gian để men gan được ổn định.

Theo bác sĩ Huệ những trường hợp như chị Hạnh khi bị men gan cao do xuất phát từ bệnh lý là nhất nhiều. Trong số các nguyên nhân gây tăng men gan thì viêm gan do virus là đáng sợ hơn cả. Viêm gan do virus có thể do virut viêm gan A, B, C, E, D. Viêm gan cấp do virus hoặc bất kỳ nguyên nhân nào cũng làm cho men gan tăng cao đột biến. Nếu tăng từ 1- 2 lần là ở mức độ nhẹ, từ trên 2-5 lần là tăng ở mức độ trung bình và tăng trên 5 lần là tăng ở mức độ nặng. Đối với những trường hợp như thế này là men gan tăng ở mức độ trung bình chỉ cần bệnh nhân tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định bác sĩ thì men gan nhanh chóng trở lại bình thường.

Điều trị men gan cao phải theo chỉ dẫn của bác sĩ

Bác sĩ Huệ cho biết ngoài những nguyên nhân trên, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến men gan cao do các bệnh lý khác men gan có thể tăng trong các bệnh do ứ sắt, viêm gan tự miễn, bệnh lý tự miễn ở ruột non. Với một số thuốc dùng để điều trị một bệnh nào đó nhưng cũng có thể gây tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa của tế bào gan hoặc gây ngộ độc tế bào gan làm xuất hiện viêm gan cấp tính do thuốc…

Người bị tăng men gan nên đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ để được bác sĩ theo dõi và đánh giá sự tiến triển của bệnh. Khi men gan tăng, bác sĩ không chỉ dựa vào chỉ số men gan trong máu tăng mà còn dựa vào nhiều yếu tố khác và các xét nghiệm cận lâm sàng khác mới hy vọng kết luận được nguyên nhân gây tăng men gan như siêu âm gan, siêu âm hệ thống dẫn mật, tụy tạng cũng như xem xét một số bộ phận khác.

Tuy nhiên, đây lại là bệnh khó điều trị dứt điểm. Ảnh minh họa

Trong ăn uống hằng ngày, cần kiêng rượu, bia và các loại nước giải khát có cồn, nhất là người đang mắc bệnh về gan (viêm gan cấp, mạn hoặc người lành mang virut viêm gan), mật (sỏi mật, giun chui ống mật, viêm đường dẫn mật) hoặc đã từng mắc bệnh sốt rét. Không nên hút thuốc lá, thuốc lào. 

Khi có một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp tế bào gan hồi phục và tái sinh nhanh hơn, tăng cường chức năng miễn dịch, thúc đẩy hồi phục chức năng gan. Những bệnh nhân bị men gan cao không ăn mỡ động vật, các loại thức ăn chiên, xào, thức ăn có nhiều chất béo hay các đồ ngọt. Vì các chất này có thể làm cho cơ thể tăng lên, dễ gây ra mỡ gan và mỡ máu cao, từ đó làm nặng thêm men gan cao, làm cho men gan cao chữa mãi không khỏi.

Một lưu ý hết sức quan trọng đối với bệnh nhân có men gan cao khi xét nghiệm máu thấy men gan tăng trong khi đang dùng một loại thuốc nào đó cũng nên cho bác sĩ khám bệnh và theo dõi sức khoẻ cho mình biết để bác sĩ có phương án giải quyết. Ngoài ra cũng nên vận động cơ thể một cách nhẹ nhàng trừ khi đang bị viêm gan cấp tính.

Người có men gan tăng cũng không nên chủ quan nhưng không nên lo lắng thái quá ảnh hưởng đến tinh thần, theo đó ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhất là còn mắc các bệnh khác về tim mạch hoặc bệnh rối loạn chuyển hóa. Khám bệnh định kỳ để theo dõi chỉ số men gan trong máu là việc làm rất cần thiết.

Theo tri thức tre