Ở những nước dùng gạo làm lương thực chính như nước ta thì cơm cháy là một món ăn khá quen thuộc.
Ngày nay, việc sử dụng nồi cơm điện khiến món cơm cháy không còn phổ biến và có thể không ít người sẽ bất ngờ khi biết món ăn này là một vị thuốc trong y học cổ truyền.
Cơm cháy loại tốt có màu vàng, khối to dày, không đen cháy và giòn. Muốn có được loại này, người ta thường phải nấu cơm bằng nồi đất hoặc nồi gang có đế dày. Khi cơm cạn, cần điều chỉnh than lửa sao cho có độ nóng thích hợp, cơm cháy không quá già hoặc quá non.
Một số bài thuốc cần dùng đến cơm cháy
Chữa tiêu hóa kém, kém ăn, đầy bụng đi ngoài
Cơm cháy 150g; thần khúc sao 12g; sa nhân sao 6g; sơn trà 12g; hạt sen bỏ tâm sao 12g; kê nội kim sao 3g; gạo tẻ 300g sao thơm. Tất cả tán thành bột mịn, trộn đều với 500g đường trắng đã đun chảy thành dạng cao đặc, sau đó nặn hoặc ép khuôn thành những chiếc bánh nhỏ để ăn.
Chữa tiêu chảy kéo dài
Cơm cháy 120g; hạt sen bỏ tâm sao thơm 12g, tán thành bột mịn. Uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần từ 3-5 thìa. Trộn với chút đường trắng rồi hòa với nước sôi, uống sau bữa ăn chừng nửa giờ.
Đi lỏng kéo dài ở người già
Bạch truật sao 6g; trần bì 4,5g; hạt sen bỏ tâm 12g; ý dĩ sao 12g; gạo nếp sao 600g; đậu xanh sao 600g; cơm cháy 600g. Tất cả tán thành bột mịn. Uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần từ 7-10g với nước đường trắng.
Dùng cho người ăn kém, chậm tiêu hóa
Cơm cháy 150g; sơn trà 10 lát; quất bì 10g; đường trắng vừa đủ. Cho cơm cháy vào nồi ninh nhừ thành cháo. Khi cháo sắp được thì bỏ sơn tra và quất bì đã thái hạt lựu vào nấu thêm một lúc là được, chế thêm đường.